Theo phương án tuyển sinh dự kiến, năm 2022, trường Đại học Ngoại Ngữ tuyển sinh 1.600 chỉ tiêu dành cho 13 chương trình đào tạo đại học chính quy và 500 chỉ tiêu chương trình quốc tế.
Trường sử dụng 3 phương thức tuyển là xét tuyển thẳng (theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; theo Quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội; với các thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, ACT và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế); xét kết quả bài thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Đáng chú ý, năm nay, trường ĐH Ngoại ngữ lần đầu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển với các thí sinh có kết quả kỳ thi VSTEP. Dự kiến điều kiện để xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm tiếng Anh là chứng chỉ VSTEP bậc 5 (tương đương C1), còn với các ngành còn lại là VSTEP bậc 4 (tương đương B2). Các điều kiện khác bao gồm thí sinh phải tốt nghiệp THPT, đạt hạnh kiểm Tốt 3 năm THPT và có điểm trung bình cộng 5 học kỳ môn Ngoại ngữ ≥ 8 hoặc có tổng điểm thi THPT 2 môn còn lại đạt từ 14 điểm trở lên.
Đây cũng là trường ĐH đầu tiên của cả nước sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và do Việt Nam tổ chức thi, cấp chứng chỉ.
Lý giải việc dùng kết quả một kỳ thi của Việt Nam để xét tuyển đại học, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ cho biết, từ năm 2015 - 2016, trường được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ xây dựng định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ quốc gia và đã trở nên phổ biến tại Việt Nam.
Kết quả của kỳ thi này đã được dùng trong xét tuyển viên chức, công chức, trong đánh giá giáo viên dạy tiếng Anh ở bậc phổ thông.
Chính vì vậy, nhà trường hoàn toàn tin tưởng, bài thi này phù hợp để đánh giá năng lực ngoại ngữ của các thí sinh.
Ngoài ra, dự kiến các thí sinh tham dự kỳ thi Olympic bậc THPT của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng sẽ được ưu tiên trong tuyển thẳng và xét tuyển năm nay.