PGS. TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cho hay năng lực đào tạo của đội ngũ cán bộ giảng viên trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông hiện nay tại trường ước đạt khoảng 1.500 sinh viên/năm, nhưng hiện nay trường chỉ tuyển sinh khoảng 600 sinh viên, mà cũng vất vả mới đủ chỉ tiêu. Lý do là thí sinh có tâm lý ngại vào những ngành kỹ thuật, dù thị trường lao động luôn có nhu cầu tuyển dụng (hằng năm khoảng hơn 90% sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành đào tạo).
Ông Long lấy ví dụ có doanh nghiệp muốn tuyển một số sinh viên vào làm các vị trí kỹ thuật với lương 14 triệu đồng/tháng làm việc trong Tây Nguyên, nhưng sinh viên đều chê, sợ đi xa sẽ vất vả. Các em muốn bám trụ lại ở Hà Nội dù mức lương chỉ 7 - 8 triệu đồng/ tháng.
Thí sinh chọn ngành không nên dựa vào tên gọi. Ảnh: Nghiêm Huê |
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2020 và 2021, khoa học tự nhiên là lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất. Tiếp đến lần lượt là Khoa học sự sống; Nông lâm nghiệp và thủy sản; Dịch vụ xã hội; Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân; Môi trường và bảo vệ môi trường.
GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông tin một số ngành như Nông nghiệp truyền thống, Kinh tế, Công nghệ và Thú y dù được hỗ trợ từ nhà trường, doanh nghiệp nhưng vẫn khó tuyển sinh. Hằng năm, Học viện tổ chức ngày hội việc làm và nhận thấy nhu cần tuyển dụng của doanh nghiệp rất lớn đối với những ngành này.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chương trình hỗ trợ sinh viên ngành nông, lâm, thủy sản như miễn giảm học phí và thực hành, thực tập, tìm kiếm việc làm…“Với ngành này, doanh nghiệp, xã hội và đất nước cũng cần. Song, việc tuyển sinh của khối ngành này hiện nay còn khó khăn” - GS.TS Phạm Văn Cường nói.
Đe dọa an toàn nguồn nhân lực
Theo phân tích của PGS. TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải, hiện nay hoạt động đào tạo của cả hệ thống đang vận động theo cơ chế tự điều tiết về nhu cầu đăng ký tuyển sinh. Chính vì thế dẫn đến việc thí sinh đổ xô theo học công an, quân đội, hoặc các ngành kinh tế khác… Xã hội gần như không quan tâm tới các ngành kỹ thuật, tạo ra lỗ hổng lớn, đe dọa về an toàn nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn phải thuê nhân lực nước ngoài ở một số vị trí, trong khi trong nước có đủ năng lực đào tạo nhân lực đáp ứng các vị trí này. PGS Chương nhận xét, không chỉ nhân lực trình độ cao ở lĩnh vực kỹ thuật thiếu và yếu mà điều đó xảy ra với cả nhân lực quản lý khiến cho giá thành và chi phí công trình giao thông của Việt Nam bị đội lên cao.
Một lý do khác là thu nhập của kỹ sư, cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp xây dựng hiện nay khoảng 7 - 9 triệu đồng/tháng, một số vị trí yêu cầu trình độ cao cũng chỉ 15 - 16 triệu/tháng.
Do đó, PGS Chương kiến nghị nhà nước cần có chính sách đặt hàng đào tạo với những chuyên ngành có tính chất chuyên sâu, đặc thù như ngành đầu máy, toa xe, hệ thống đường sắt đô thị... ngành hệ thống điều khiển tín hiệu, điện tử… giao thông để khi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sẽ có sẵn nguồn nhân lực.
Trăn trở về những ngành khoa học cơ bản khó thu hút thí sinh, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, trường ĐH Mỏ - Địa chất cho hay nhiều thí sinh chỉ nghe tên gọi, nên nghĩ đó là những ngành không có tiềm năng. Thí sinh chưa nhận thức đúng về triển vọng và khả năng phát triển của những ngành học này cũng như dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề nên không hình dung được thị trường lao động trong tương lai.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT thông tin, Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030, trong đó đặc biệt ưu tiên một số lĩnh vực cần chuyển đổi số mạnh mẽ, dẫn dắt hàng đầu như giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng mới, tài nguyên môi trường, sản xuất nông nghiệp…
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng cần đẩy mạnh công tác truyền thông và đào tạo theo đặt hàng, giao nhiệm vụ. Đối với lĩnh vực khó tuyển sinh, cơ sở đào tạo cần tăng cường truyền thông, hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm, kết nối doanh nghiệp…
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT thông tin, Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030, trong đó đặc biệt ưu tiên một số lĩnh vực cần chuyển đổi số mạnh mẽ, dẫn dắt hàng đầu như giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng mới, tài nguyên môi trường, sản xuất nông nghiệp…