Lục quân Mỹ cân nhắc sử dụng trực thăng không người lái

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều tháng sau khi máy bay trực thăng Sikorsky UH-60 Black Hawk thể hiện khả năng bay hoàn toàn không người lái, Lục quân Mỹ bày tỏ quan tâm việc triển khai các chuyến bay tự động, như bay tiếp liệu trong lãnh thổ tranh chấp, sơ tán, cứu thương…

“Khi chúng ta xem xét các hệ thống vũ khí của chúng ta trong tương lai, bước đầu tiên là giảm thiểu về người điều khiển”, Tướng James McConville, Tham mưu trưởng Lục quân, cho biết hôm 4/4 tại hội nghị Hiệp hội Hàng không Lục quân Mỹ (AAAA) tại thành phố Nashville, bang Tennesee.

Trình diễn thành công

Triển vọng hoạt động của trực thăng không người lái đã được nêu ra vào tháng 2 khi, theo một chương trình của Cục Các dự án nghiên cứu tiên tiến về quốc phòng (DARPA) có tên Hệ thống tự động hóa lao động trong buồng lái (ALIAS), một chiếc trực thăng UH-60A Black Hawk đã bay qua đơn vị lục quân For Campbell ở bang Kentucky trong 30 phút mà không có người nào trên máy bay.

Chiếc trực thăng sử dụng phần mềm bay tự động Matrix của hãng sản xuất máy bay Sikorsky và điều khiển từ xa từ mặt đất. ALIAS trước đó đã hoàn thành các nhiệm vụ tiếp tế tự động tại hồi tháng 11/2021 tại bang Arizona, mặc dù có phi công ngồi trong máy bay để đảm bảo an toàn bay nếu có trục trặc xảy ra.

Lục quân Mỹ cân nhắc sử dụng trực thăng không người lái ảnh 1

Chương trình Hệ thống tự động hóa lao động trong buồng lái của DARPA đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên mà không có phi công trên máy bay trực thăng UH-60A Black Hawk. Ảnh: DARPA.

“Điều mà dự án DARPA đã chứng minh là thực tế có thể thực hiện chuyến bay tự động”, Thiếu tướng David Francis, lãnh đạo Trung tâm Hàng không Lục quân Xuất sắc, cho biết tại hội nghị AAAA.

Nhưng hiện vẫn chưa rõ Lục quân sẽ sử dụng chuyến bay tự động như thế nào, một phần vì đây là công nghệ mới ra đời. Chương trình DARPA vẫn đang tiếp tục, nhưng Thiếu tướng Walter Rugen, Trưởng Nhóm Đa chức năng cất cánh thẳng đứng tương lai, cho biết Lục quân vẫn chưa quyết định chuyển sang sử dụng trực thăng không người lái.

Tướng Rugen cho biết, Lục quân đang nghiên cứu một yêu cầu mới đối với các nhiệm vụ hậu cần không người lái. Ông lưu ý tầm quan trọng của việc đánh giá độc lập mức độ sẵn sàng của công nghệ.

Tướng Rugen nhận định, công nghệ bay tự động có thể đóng một vai trò tức thời hơn - đó là hỗ trợ phi công trên máy bay giảm gánh nặng nhận thức. Ông cho biết, Lục quân rất quan tâm đến những gì có thể được tự động hóa trong “quy trình thực hiện các nhiệm vụ điển hình và các nhiệm vụ chiến thuật học thuyết điển hình của chúng tôi”.

Bay tự động - toàn bộ hoặc một phần - sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động tương lai đối với phi công, những người có khả năng sẽ phải quản lý lượng dữ liệu chưa từng có chảy vào buồng lái của họ.

Jay Macklin, một cựu phi công lái trực thăng Black Hawk và hiện là giám đốc Sikorsky phụ trách phát triển kinh doanh, chiến lược máy bay cất cánh thẳng đứng và đổi mới trong tương lai của Lục quân, nói: “Tôi nhớ ở Iraq và Afghanistan với tất cả thông tin đến từ radio và cảm biến. Trực thăng không người lái sẽ mang lại cho người chỉ huy một công cụ khác để giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng hoàn thành nhiệm vụ”.

Phần mềm bay tự động cũng có thể giúp phi công bay trong điều kiện tầm nhìn kém, như vậy là có thể cứu sống mạng người, ông Macklin nói.

Trực thăng Bell V280 Valor bay không cần phi công. Nguồn: The Bell.

Nâng cấp phi đội Black Hawk

Lục quân đang nâng cấp phi đội Black Hawk hiện tại của mình với các buồng lái hiện đại hóa, tích hợp buồng lái kỹ thuật số trong quá trình chuyển đổi UH-60 Lima Black Hawk thành các mẫu Victor phiên bản nâng cấp. Hồi tháng 2, DARPA tuyên bố, phần mềm bay tự động của Sikorsky sẽ được sử dụng trên phiên bản UH-60 Mike.

Tổng cộng, Sikorsky có 265 giờ bay với phần mềm hoàn toàn tự động Black Hawk, theo Nathalie Previte, phó chủ tịch phụ trách hệ thống dành cho lục quân và không quân tại Sikorsky. Chuyến bay cuối cùng là cuộc trình diễn không có phi công vào tháng Hai.

Trong tương lai, Sikorsky có thể sẽ cố gắng chứng minh rằng các chuyến bay tự động hoàn toàn có thể được sử dụng cho các trường hợp cụ thể khác. Ví dụ, Previte cho biết công ty đang xem xét sử dụng Black Hawk không người lái cho các nhiệm vụ sơ tán, cứu thương, và việc này đòi hỏi phần mềm mới.

Giống như các quan chức Lục quân, Macklin dự đoán Lục quân sẽ không bỏ rơi các phi công. Thay vào đó, họ sẽ tìm ra sự thỏa hiệp, trong đó trực thăng bay tự động có thể giảm bớt gánh nặng hoạt động hoặc bay trong các tình huống đặc biệt nguy hiểm.

“Chúng tôi coi đó là một công nghệ tuyệt vời. Đó chắc chắn là thứ mà chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, phát triển và sau đó những gì chúng tôi muốn làm là có thể đưa nó lên nền tảng của chúng tôi một cách hợp lý”, Tướng Robert Barrie nói.

Lục quân Mỹ cân nhắc sử dụng trực thăng không người lái ảnh 2

Trực thăng UH-60 Lima Black Hawk phiên bản mới của Lục quân Mỹ. Nguồn: Business Insider.

MỚI - NÓNG