Kế hoạch trên của UBND thành phố Hà Nội xác định 3 mục tiêu và 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để phát triển logistics trong năm 2022. Mục tiêu được nêu rõ là phát triển hoạt động logistics nhằm thúc đẩy sản xuất, thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử; phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại.
Bốc dỡ và vận chuyển hàng hóa tại cảng Hà Nội. |
Mục tiêu của kế hoạch là đưa thành phố Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, cả nước và khu vực; thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, mức độ 4; hướng đến mức độ 5...
Riêng trong năm 2022, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở ngành có liên quan khởi công xây dựng 2 cảng cạn (ICD); địa điểm được xác định là tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Việc cần làm ngay là các sở ngành, quận huyện có liên quan xác định vị trí, ranh giới, diện tích cụ thể 2 cảng cạn logistics; trong đó chấp thuận chủ trương đầu tư 1 cảng container quốc tế (tại xã Cổ Bi, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm)…
Sở Công Thương được giao chủ trì, triển khai với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện ở tất cả các khâu.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu, phát triển hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics, cụ thể hóa quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics trên địa bàn. Tập trung đôn đốc tiến độ, tăng cường phối hợp giữa các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics.