Dự án Luật TT-ATGT đường bộ: Cần cụ thể quy trình hoạt động tuần tra của CSGT

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo quan điểm của chuyên gia, việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao thông cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSGT.
Dự án Luật TT-ATGT đường bộ: Cần cụ thể quy trình hoạt động tuần tra của CSGT ảnh 1
Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự chỉ đạo hội thảo.

Chiều 14/3, Bộ Công an tổ chức hội thảo trực tuyến “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.

Đề xuất giảm tuổi được cấp bằng lái xe

Theo ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TT-ATGT đường bộ, gọi tắt là Luật) tách từ Luật Giao thông đường bộ thể hiện sự quan tâm và quyết tâm giải quyết triệt để, mạnh mẽ hơn trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

“Trật tự an toàn giao thông là thước đo về sự tiến bộ, phát triển của xã hội và mức độ được đảm bảo an toàn về tính mạng của con người. Tuy nhiên, tai nạn giao thông tại Việt Nam hiện nay diễn ra rất phức tạp và gay gắt, đặc biệt là lĩnh vực giao thông đường bộ… Do vậy, dưới góc nhìn của người tham gia giao thông, việc tập trung giải quyết vấn đề này, trước hết từ khía cạnh xây dựng pháp luật là phù hợp và cần thiết” – ông Hiểu nói.

Ông Hiểu cũng nêu ra một số vấn đề cần đảm bảo tính khả thi trong dự án Luật như việc quản lý, đào tạo, cấp giấy phép lái xe; thay đổi hạng giấy phép lái xe xuống 11 hạng thay vì 15 hạng như hiện nay; các hình thức cấp đổi, đấu giá biển số xe và việc quy định độ tuổi được cấp giấy phép lái xe trong một số trường hợp còn chưa phù hợp với thực tiễn và nhu cầu.

Cụ thể, việc học sinh THPT đi xe gắn máy đến trường là có thật và rộng khắp, nhất là các thành phố lớn. Điều này xuất phát từ thực tế khi bước vào THPT, nhất là lớp 11-12, học sinh đi học trái buổi, ngoại khóa, học thêm khá nhiều trong khi phương tiện công cộng chưa phát triển để đáp ứng.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, người từ 16 tuổi trở lên được đi xe dưới 50CC, từ 18 tuổi trở lên mới được cấp giấy phép lái xe. Nhưng thực tế cho thấy, độ tuổi từ 16-18 không được học luật giao thông một cách đầy đủ nhưng vẫn đi xe máy điện, xe đạp điện hoặc xe dưới 50CC với tốc độ cao, chạy lấn tuyến… tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để “trẻ hóa” đối tượng được cấp giấy phép lái xe hạng A1.

Dự án Luật TT-ATGT đường bộ: Cần cụ thể quy trình hoạt động tuần tra của CSGT ảnh 2

PGS. TS Tường Duy Kiên – Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Cần cụ thể hoạt động tuần tra của CSGT

Phát biểu tham luận tại hội nghị, PGS. TS Tường Duy Kiên – Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật là sự vận dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế, quy định về quyền con người trong Hiến pháp, pháp luật quốc gia vào xây dựng các quy định về đảm bảo TT-ATGT đường bộ.

PSG. TS Kiên cũng đưa ra một số kiến nghị tiếp cận quyền con người trong dự án Luật như cần quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao thông. Cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.

Vị PGS lý giải, đây là hoạt động nhạy cảm, rất dễ lạm dụng vi phạm quyền con người trong thực thi thẩm quyền của lực lượng CSGT như việc dừng phương tiện giao thông đường bộ; áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm; quyền được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông;…

Cùng với đó, đi liền với các thẩm quyền, cần quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ và các hành vi bị cấm đối với cán bộ thi hành công vụ. Cụ thể là nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ lợi dụng nhiệm vụ được giao để sách nhiễu, gây phiền hà hoặc có hành vi tiêu cực hay lợi dụng, lạm dụng công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông để xâm phạm quyền con người xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hội thảo có sự tham gia của trên 100 nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia pháp lý trong và ngoài CAND, lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

MỚI - NÓNG