Các hãng vũ khí trông chờ châu Âu mạnh chi cho quốc phòng vì xung đột ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang thôi thúc châu Âu tăng cường chi tiêu quốc phòng, và điều này có thể mở ra một kỷ nguyên mua sắm mới do Đức dẫn đầu, các nhà sản xuất tham gia hội chợ vũ khí tại Ả-rập Xê-út trong tuần này nhận định.
Các hãng vũ khí trông chờ châu Âu mạnh chi cho quốc phòng vì xung đột ở Ukraine ảnh 1

Khu trưng bày của Ukraine tại Triển lãm quốc phòng thế giới. (Ảnh: Reuters)

Triển lãm Quốc phòng thế giới được tổ chức khi chiến dịch tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu trong 70 năm đang xảy ra. Tại đó, các nhà sản xuất vũ khí và phương tiện quân sự lớn của thế giới như Airbus, MBDA và Leonardo đang trưng bày sản phẩm của họ cùng với gần 600 hãng vũ khí khác.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang thôi thúc sự quan tâm vào các vấn đề an ninh, sau nhiều năm châu Âu giảm chi tiêu quốc phòng và mệt mỏi với thất bại của NATO ở Afghanistan.

Đức, quốc gia lâu nay vẫn hạ thấp vai trò của quân đội trong chính sách đối ngoại, cùng Đan Mạch và Ba Lan đều cho biết sẽ tăng cường chi tiêu quốc phòng "khi xung đột xảy ra ngay trước thềm nhà của mình".

“Hoà bình trong mấy thập kỷ đã khiến mọi người nghĩ hoà bình sẽ kéo dài mãi mãi. Không may là mặc định đó đã sai”, Hristo Ibouchev, giám đốc điều hành của hãng vũ khí Arsenal của Bulgaria, nói với Reuters.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin có thể mua các chiến đấu cơ tàng hình F-35 từ Mỹ, nhưng sau này có thể mua những vũ khí tiên tiến từ châu Âu.

Năm nay, Đức dành 100 tỷ euro (109 tỷ USD) ngân sách cho quốc phòng, tăng hơn gấp đôi mức 47 tỷ euro của năm ngoái.

“Chỉ riêng thông báo của Đức cũng đã mở ra một kỷ nguyên mới của mua sắm quốc phòng nếu EU làm theo”, Andrew MacDonald, quản lý của tạp chí quốc phòng Jane’s nói với Reuters.

Nhiều người khác cho rằng sau những diễn biến như Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, các nước EU đã chú ý nhiều hơn đến an ninh, và xung đột Nga – Ukraine lần này càng thúc đẩy họ thực hiện kế hoạch.

“Vai trò của quốc phòng đang thay đổi mạnh mẽ”, một giám đốc của châu Âu nói, và dự báo chi tiêu quốc phòng của châu Âu tăng không chỉ vì xung đột lần này mà còn bởi chính sách “Mỹ là trên hết” của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy châu Âu cần tự lo.

Tại triển lãm lần này, các hãng của Nga trưng bày nhiều loại pháo và tên lửa dẫn đường chính xác.

Lãnh đạo các công ty Nga từ chối trả lời câu hỏi liệu họ có được thanh toán nếu bán vũ khí cho nước khác, khi phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt các ngân hàng và doanh nghiệp Nga hay không.

Trong khi đó, các xe bọc thép và vũ khí trong gian gần như trống của Ukraine sẽ được đưa về nước ngay sau khi triển lãm kết thúc, để sử dụng trong chiến dịch đối phó với quân Nga.

“Ukraine đang thi hành thiết quân luật, và mọi thứ có thể dùng cho quân đội Ukraine đều sẽ được dùng”, đại diện duy nhất của một hãng quốc phòng Ukraine cho biết.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG