Thi vào các trường công an: Chi tiết bài thi đánh giá gồm cả tự luận và trắc nghiệm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Công tác tuyển sinh vào các trường Công an Nhân dân năm 2022 có một số điểm mới cần lưu ý, trong đó Bộ Công an sẽ tổ chức bài thi đánh giá tuyển sinh trình độ đại học chính quy tuyển mới, được tổ chức thi sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Bộ Công an vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án số 04/ĐA-BCA ngày 21/5/2021 của Bộ Công an về đổi mới công tác tuyển sinh đại học chính quy tuyển mới trong Công an nhân dân (CAND).

Theo kế hoạch này, công tác tuyển sinh vào các trường CAND năm 2022 có một số điểm mới cần lưu ý, trong đó Bộ Công an sẽ tổ chức bài thi đánh giá tuyển sinh trình độ đại học chính quy tuyển mới, được tổ chức thi sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Bài thi đánh giá tuyển sinh trình độ đại học chính quy tuyển mới của Bộ Công an cấu trúc gồm 2 phần: Phần trắc nghiệm và phần tự luận.

Theo đó, yêu cầu của bài thi: Đề thi đánh giá được các năng lực cốt lõi để học tập ở bậc đại học của thí sinh, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam, trong đó nội dung các câu hỏi để đánh giá trình độ văn hóa phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT.

Phần trắc nghiệm bao gồm: Kiến thức về khoa học tự nhiên, kiến thức xã hội, ngoại ngữ phù hợp với tổ hợp đăng ký xét tuyển vào các học viện, trường CAND; tập trung kiểm tra kiến thức trong chương trình THPT hiện hành, độ khó cao hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tăng khả năng phân loại thí sinh; phần tư duy logic tập trung kiểm tra các kỹ năng ghi nhớ, phán đoán, suy luận, đánh giá, nhận xét của thí sinh phù hợp với lĩnh vực công tác công an.

Phần tự luận: Thí sinh được lựa chọn một trong hai nội dung: Văn học, nghị luận xã hội hoặc giải toán. Tổng thời gian làm bài 180 phút, trong đó phần trắc nghiệm 90 phút, phần tự luận 90 phút.

Đề thi minh họa được công bố công khai cho thí sinh và xã hội theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tổ chức bài thi đánh giá tuyển sinh và xét tuyển Bài thi đánh giá tuyển sinh trình độ đại học chính quy tuyển mới của Bộ Công an tổ chức thi sau kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Các học viện, trường CAND tổ chức thi theo lịch tuyển sinh chung của Bộ Công an. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, việc tổ chức kỳ thi của Bộ Công an có thể ảnh hưởng đến công tác phòng dịch, căn cứ tình hình cụ thể, Bộ Công an sẽ quyết định tiếp tục tổ chức thi hoặc không tổ chức thi.

Về tổ chức xét tuyển: Trường hợp Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT về đề thi, thời gian thi, điểm xét tuyển được sử dụng từ các nguồn sau: Kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT chiếm 40% tổng điểm xét tuyển. Kết quả bài thi đánh giá do học viện, trường đại họcCAND tổ chức chiếm 60% tổng điểm xét tuyển. Điểm trên được quy về thang điểm phù hợp theo quy định của Bộ GD&ĐT, cộng với điểm ưu tiên về khu vực, đối tượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của Bộ Công an.

Trường hợp do dịch bệnh, không tổ chức bài thi đánh giá tuyển sinh trình độ đại học chính quy tuyển mới của Bộ Công an thì điểm xét tuyển được thực hiện như năm 2021, sử dụng từ các nguồn sau:

Kết quả học bạ THPT chiếm 25% tổng điểm xét tuyển;

Kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT chiếm 75% tổng điểm xét tuyển.

Điểm trên được quy về thang điểm phù hợp theo quy định của Bộ GD&ĐT, cộng với điểm ưu tiên về khu vực, đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT, quy định của Bộ Công an.

Trường hợp do dịch bệnh, không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, không tổ chức bài thi đánh giá tuyển sinh trình độ đại học chính quy tuyển mới của Bộ Công an thì sử dụng kết quả học bạ THPT làm điểm xét tuyển tương tự như xét tuyển các thí sinh được đặc cách tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh xét tuyển trong năm 2021.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.