NATO liệt kê 3 điểm chính trong thư phản hồi đề xuất an ninh của Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg cho biết khối này sẽ không thoả hiệp với Nga về việc ngừng mở rộng quy mô sang phía Đông châu Âu, vì điều này mâu thuẫn với các nguyên tắc cốt lõi của liên minh.
NATO liệt kê 3 điểm chính trong thư phản hồi đề xuất an ninh của Nga ảnh 1

Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Thư phản hồi của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về các đề xuất an ninh của Nga đã được chuyển đến Mátxcơva hôm 26/1, cùng ngày với thư của Mỹ.

Theo Tổng thư ký NATO Stoltenberg, thư phản hồi của khối an ninh có 3 ý chính.

Một là, tái thiết quan hệ ngoại giao giữa NATO với Nga, mối quan hệ mà ông Stoltenberg cho rằng Nga đã cắt đứt.

Quan hệ lạnh nhạt giữa Nga và liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây. Hồi tháng 10, Nga tuyên bố sẽ đình chỉ mọi liên hệ trực tiếp với NATO và đóng cửa văn phòng của khối này ở Mátxcơva để đáp trả việc NATO trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga khỏi trụ sở ở Brussels.

Hai là, NATO khẳng định “sẵn sàng đối thoại, lắng nghe các mối quan ngại của Nga”, đồng thời tôn trọng quyền lựa chọn các thoả thuận an ninh của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg đề nghị Nga nên “kiềm chế leo thang căng thẳng” với các quốc gia thành viên NATO và các quốc gia khác như Ukraine, Georgia, Moldova.

Ba là, “giảm thiểu rủi ro” và cam kết minh bạch về các cuộc tập trận cũng như các thoả thuận kiểm soát vũ khí mà ông Stoltenberg cho rằng từng phát huy hiệu quả. Từ năm 2001 đến nay, Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), hiệp ước Bầu trời Mở, hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)… sau khi cáo buộc Nga vi phạm các hiệp ước này mà không đưa ra bằng chứng.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO là một liên minh phòng thủ và không muốn gia tăng đối đầu, nhưng NATO “không thể và sẽ không thoả hiệp về các nguyên tắc cơ bản”, ví dụ như quyền của các quốc gia trong việc tham gia liên minh. Nga từng nhiều lần nhấn mạnh việc NATO kết nạp Ukraine sẽ là hành vi vượt "lằn ranh đỏ".

Khi được hỏi về thái độ miễn cưỡng của một số thành viên NATO trong những tuần gần đây, ông Stoltenberg khẳng định “tất cả các quốc gia thành viên đều đã đồng ý về nội dung thư phản hồi gửi Nga”.

Trước đó, Tổng thống Croatia tuyên bố sẽ rút toàn bộ lực lượng của nước này khỏi liên quân NATO trong trường hợp xảy ra xung đột ở Ukraine. Đức cũng được cho là đã không cho phép Anh sử dụng không phận nước này trong quá trình chuyển vũ khí đến Kiev.

Ông Stoltenberg trấn an các phóng viên rằng NATO đã xây dựng sẵn kế hoạch hành động và có thể kích hoạt chiến dịch trong thời gian ngắn nếu Nga “tiến vào” Ukraine.

Trong những tuần gần đây, Mỹ và các đồng minh nhiều lần cáo buộc Nga điều hàng chục nghìn binh sĩ đến biên giới với Ukraine để uy hiếp Kiev. Nga liên tục phủ nhận cáo buộc này.

Tháng trước, Nga công bố hai dự thảo đề xuất an ninh gửi Mỹ và NATO. Trong đó, Mátxcơva kêu gọi NATO cam kết không mở rộng thêm về phía Đông, không chấp thuận nguyện vọng gia nhập khối của Ukraine, và sẽ không tiến hành bất cứ hoạt động quân sự chung nào ở Ukraine cũng như các quốc gia Đông Âu, Trung Á khác.

Theo RT
MỚI - NÓNG