THẾ GIỚI 24H: Một số người dân Thụy Sĩ cố tình nhiễm COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Để có được giấy chứng nhận như "hộ chiếu vắc xin", một số người ở Thụy Sĩ đã cố tình làm cho bản thân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo hãng tin RT, gần đây một số người Thụy Sĩ không tin tưởng vào việc tiêm vắc xin đã tổ chức những bữa tiệc để lây nhiễm virus, từ đó có được chứng nhận đã mắc COVID-19 và phục hồi tự nhiên. Tuy nhiên, Văn phòng Y tế công cộng liên bang của Thụy Sĩ (FOPH) cho biết, việc cố tình để mắc COVID-19 là một hành vi phạm tội, có thể bị phạt tù tới 5 năm. Việc tổ chức tiệc kiểu như vậy không chỉ làm tăng nguy cơ lây lan virus cho người khác, mà còn có thể khiến số người phải nhập viện, tử vong tăng lên. Bác sĩ Claude-Francois Robert tại thành phố Neuchâtel, Thụy Sĩ đã khuyến cáo không nên tự lây nhiễm vì miễn dịch tự nhiên bằng cách này dẫn đến nguy cơ viêm cơ tim cao gấp 10 lần so với tiêm phòng. Ông trấn an những người này rằng vắc xin là một sản phẩm an toàn.


Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 472.000 ca nhiễm và 3.796 ca tử vong. Pháp đứng đầu thế giới với trên 100.000 ca nhiễm mới. Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 26/12 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 279.801.947 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.412.909 ca tử vong.


Iran đóng cửa biên giới trước nguy cơ lây lan biến thể Omicron. Cơ quan Hải quan Iran ngày 25/12 thông báo nước này quyết định sẽ đóng cửa biên giới bộ với Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Afghanistan, Azerbaijan, Pakistan và Armenia trong nửa tháng, kể từ ngày 25/12.


Iran ngày 25/12 tuyên bố có thể tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân và sẽ sớm bắt đầu sử dụng loại nhiên liệu này tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr. Theo ông Mohammad Eslami, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, nước này đã có sự hợp tác với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom). Dựa trên những kế hoạch và hợp đồng đã ký kết trong khuôn khổ hợp tác, Iran hy vọng có thể tự sản xuất được nhiên liệu hạt nhân và sử dụng trong lò phản ứng ở Bushehr.


Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tuyên bố sẽ giúp đỡ những người tị nạn Myanmar đã chạy tới Thái Lan sau các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và phiến quân Karen, như một hành động nhân đạo. Người đứng đầu Chính phủ Thái Lan cho biết, ông đã chỉ thị cho các nhà chức trách chuẩn bị cung cấp thuốc men và thực phẩm cho người tị nạn vượt biên để chạy trốn các cuộc giao tranh ở nước láng giềng. Mặc dù hơn 90.000 người Myanmar phần lớn là phụ nữ và trẻ em đã sang Thái Lan, nhưng nước này sẽ không thành lập các trung tâm tị nạn vì tất cả sẽ phải quay trở lại khi tình hình được cải thiện.


Ngày 25/12, hàng nghìn người dân Sudan đã đổ xuống các đường phố ở thủ đô Khartoum và các khu vực ngoại ô thành phố này nhằm kêu gọi binh lính “quay trở về doanh trại” và yêu cầu chuyển tiếp sang chính quyền dân sự. Trước đó, ngày 25/10 vừa qua, quân đội Sudan đã tiến hành đảo chính và giải tán chính phủ, ban bố tình trạng khẩn cấp và quản thúc tại gia Thủ tướng Abdallah Hamdok. Cuộc đảo chính đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và các phong trào chính trị ở Sudan cũng như cộng đồng quốc tế.


Ngày 25/12, liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào Yemen trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa liên quân và phiến quân Houthi tại nước này. Quyết định phát động cuộc tấn công quy mô lớn được đưa ra sau khi xảy ra một vụ phóng tên lửa nhằm vào thành phố Jazan của Saudi Arabia, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 7 người bị thương. Đây là vụ tấn công gây chết người đầu tiên trong 3 năm qua được cho có liên quan đến phiến quân Houthi.


Các quốc gia trên toàn châu Âu đang chuẩn bị đối mặt với nguy cơ thiếu điện ngay khi mùa lạnh đến, do nhu cầu tiêu thụ điện tăng vọt khiến giá điện không ngừng leo thang. Nhiệt độ tại thủ đô của nhiều quốc gia trên toàn châu Âu được dự báo giảm xuống dưới 0 độ C trong tuần này, gây áp lực lên nguồn cung điện trong bối cảnh sản lượng điện gió và điện hạt nhân đều đang ở mức thấp. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn sau khi Nga giới hạn lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống dẫn khí đốt chính tới Đức.


Một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại một địa điểm tụ tập đông người đêm 25/12 ở thành phố Beni, miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng. Thời điểm xảy ra vụ nổ, trong quán bar có khoảng 30 người đã tổ chức tiệc Giáng sinh. Thông báo từ giới chức quân sự đang kiểm soát tỉnh Bắc Kivu cho biết: "Thủ phạm sau khi bị lực lượng an ninh chặn vào quán bar đã kích nổ thiết bị mang trên người ngay ở lối vào quán." Ngoài số người thiệt mạng nói trên, còn 13 người đang phải điều trị chấn thương tại bệnh viện.

MỚI - NÓNG