Thay vào đó, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Nga Putin với vị tổng thống Mỹ Joe Biden thứ 5 trong nhiệm kỳ của ông đã bàn về khía cạnh song phương, và cuộc gặp ở Geneva có thể dẫn đến mối quan hệ dễ đoán hơn, dù vẫn căng thẳng, như lời khẳng định của hai nhà lãnh đạo.
Ngược với những người tiền nhiệm, ông Biden không bày tỏ sự kỳ vọng về cuộc gặp và ông cũng cố gắng tạo sức ép với Nga trong những vấn đề cáo buộc can thiệp bầu cử, tấn công mạng và vụ tống giam nhân vật đối lập Alexei Navalny.
Nhưng sau những phát biểu ban đầu mà trong đó gọi ông Putin là “sát thủ”, ông Biden trước khi bước vào thượng đỉnh lần này đã gọi nhà lãnh đạo Nga là “đối thủ xứng đáng”, và tại cuộc họp báo sau đó đã nói rằng hai người nhìn thấy những lợi ích chung ở chỗ nào.
Ông Putin nói ông Biden là “chính trị gia giàu kinh nghiệm” có thể nói về một chi tiết “theo cách mang tính xây dựng” trong suốt hơn 3 giờ đồng hồ.
Tương tự như quan điểm đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Biden “không tin họ nhưng kỳ vọng Nga sẽ hành động vì lợi ích của mình và hai nước có một số lợi ích tương đồng và có những lĩnh vực nên hợp tác với nhau”, ông Ian Bremmer, chủ tịch hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group đánh giá.
Giới quan sát cho rằng quan hệ song phương sẽ được thử thách trong thời gian sắp tới, và họ sẽ theo dõi xem liệu có xảy ra những vụ tấn công mạng nghiêm trọng như vụ tấn công chiếm quyền kiểm soát hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu Colonial của Mỹ như vừa qua hay không.
Tại cuộc họp báo, ông Putin không đưa ra lời hứa nào về vấn đề an ninh mạng, dường như để phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào. Nhưng ông Biden nói rằng ông Putin “biết sẽ có hậu quả” nếu Nga hành động.
Hai nhà lãnh đạo đồng ý sẽ đưa đại sứ quay lại thủ đô của nhau và các nhà ngoại giao hai bên sẽ phối hợp trong vấn đề trao trả tù nhân.
Khác với Chiến tranh Lạnh, khi lãnh đạo Liên Xô và Mỹ gặp nhau để ký hiệp ước về những vấn đề lớn như vũ khí hạt nhân, hai ông Biden và Putin lần này không kỳ vọng đạt được đột phá ở Geneva.
Giới quan sát đánh giá rằng điều hai nhà lãnh đạo chờ đợi là có thể thích ứng với nhau để tiếp tục đối thoại.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng chọc giận ông Putin khi gọi Nga là một “cường quốc khu vực” hành động “không phải vì mạnh mà vì yếu”.
Nhưng ông Obama cũng như những tổng thống trước đó, đã lên nắm quyền với hy vọng cải thiện quan hệ với Nga. Cựu Tổng thống George W. Bush có một câu nói nổi tiếng sau cuộc gặp ông Putin năm 2001 rằng ông có thể “cảm nhận về tâm hồn của ông ấy”.
Cựu Tổng thống Donald Trump thì không ngần ngại bày tỏ ngưỡng mộ ông Putin. Sau cuộc gặp thưởng định năm 2018 ở Helsinki, ông Trump thậm chí bị cả những người cùng đảng phản đối khi có vẻ đánh giá cao việc ông Putin phủ nhận chuyện can thiệp bầu cử, dù ông Putin công khai khẳng định rằng ông muốn ông Trump làm tổng thống.
Lần này, phe Cộng hoà nhanh chóng chỉ trích ông Biden về thượng đỉnh ở Geneva, nói rằng Tổng thống đáng ra phải đối đầu với Nga nhiều hơn.
“Các cuộc gặp thượng đỉnh là để mang lại kết quả. Thật đáng thất vọng khi biết rằng lần này không có tiến triển rõ ràng nào với Nga trong bất kỳ vấn đề nào”, Jim Risch, nghị sĩ Cộng hoà trong Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói.
Nhưng Thượng nghị sĩ Bob Menendez của đảng Dân chủ khen ngợi ông Biden vì đã “nói thẳng sự thật” với ông Putin.
“Đây là một bài kiểm tra thực tế cần thiết đối với ông Putin và là lời tạm biệt 4 năm Trump chiều chuộng Kremlin”, ông Menendez nói.