Trong đơn kiến nghị, GS Nguyễn Ngọc Châu viết, thời gian qua, GS.TSKH Phạm Đức Chính (Hội đồng ngành Cơ học) và ông (Hội đồng ngành Sinh học - Quỹ Nafosted) nhận được 11 thư điện tử tố cáo 16 ứng viên GS, PGS ngành Y và ngành Dược khai gian dối các bài báo trên các tạp chí kém chất lượng có tên chung là Open Access, viết tắt là OA (những tạp chí thu tiền, in bài, không có hệ thống kiểm duyệt tốt nên thường có chất lượng thấp), nhưng đã được Hội đồng khoa học ngành xét cho qua. Trong số này có 1 ứng viên đã bị loại từ hội đồng cơ sở nên chỉ còn 15 người được hội đồng ngành thông qua.
GS Chính đã chuyển các email này đến HĐGSNN và cộng đồng mạng. GS Châu đã thẩm định lại tất cả các công bố của 15 ứng viên có thư tố cáo với nguồn dữ liệu đối sánh từ chính hồ sơ khoa học của các ứng viên được công khai tại các hội đồng cơ sở.
Bức xúc
Theo kết quả thẩm định của GS Châu, 12/16 ứng viên không đủ bài theo yêu cầu đối với ứng viên GS, PGS; 3/13 ứng viên PGS có đủ số bài theo yêu cầu đối với ứng viên PGS. Như vậy, chỉ có 3/15 ứng viên có đủ bài báo khoa học đạt yêu cầu (xét theo chất lượng các bài báo thuộc danh mục ISI hoặc Scopus - hai tổ chức xét, duyệt, công nhận các tạp chí khoa học được coi là có uy tín hiện nay). Theo ông, hầu hết các bài của các ứng viên này đều đăng trên các tạp chí OA.
“Có lẽ chỉ các ứng viên ngành Y, ngành Dược có ít bài công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín mới đăng bài trên các tạp chí này để hy vọng có đủ bài đăng ký chức danh GS, PGS (mặc dù người thẩm vẫn chấp nhận những tạp chí OA đã được Webs of Science (WoS, danh mục tạp chí ISI) và Scopus xếp hạng), nhưng vì tạp chí chất lượng thấp nên thường không ổn định và bị loại ra khỏi Scopus”, GS Châu nói.
Theo ông, cả 3 ứng viên GS này đều chưa đủ tiêu chuẩn để được công nhận. Với ứng viên GS T.V.Tr., nội dung đơn tố cáo viết rằng, toàn bộ bài báo của ứng viên này đều đăng trên các tạp chí OA của ngành Dược trong hai năm 2019-2020. Theo kết quả xác minh của GS Châu, 2 bài có thể chấp nhận; 3 bài đăng trên tạp chí đã bị loại khỏi danh mục Scopus từ 2016 nên không tính; 3 bài đã bị loại khỏi Scopus từ năm 2017 nên cũng không tính. Theo yêu cầu, ứng viên GS phải có ít nhất 5 bài báo trên tạp chí uy tín, ứng viên này chưa đạt yêu cầu.
Không những thế, tạp chí đã bị loại khỏi Scopus từ năm 2020. GS Châu cho rằng, ứng viên này không đủ số bài theo quy định để xét ứng viên PGS. Với ứng viên PGS V.Q.T. (ngành Dược), theo thẩm định của GS Châu, mặc dù có đủ bài ISI/SCOPUS và có thể đủ điểm để bù cho thiếu thâm niên giảng dạy, đủ bài bù cho hướng dẫn cao học còn thiếu, nhưng ứng viên có khá nhiều sai phạm trong khai báo, hơn 2/3 số bài công bố trên cùng một số của tạp chí. Điều này vi phạm quy định của HĐGSNN…
Theo GS Châu, vì thư tố cáo liên quan đến 2 HĐGS ngành Y và Dược, nên ông trân trọng đề nghị Thanh tra Bộ GD&ĐT vào cuộc thanh tra toàn diện kết quả xét GS, PGS năm 2020 của 2 HĐGS ngành Y và Dược. Việc làm này tương tự đợt xét GS, PGS năm 2017 và thông báo công khai cho cộng đồng khoa học và dư luận xã hội biết. “Người thẩm định và viết thư kiến nghị này xin chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định (như báo cáo ở bảng dưới đây) và sẵn sàng hợp tác với HĐGSNN và cơ quan chức năng làm sáng tỏ các nghi vấn nếu còn”, GS Châu bày tỏ.
Chiều qua, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Văn phòng HĐGSNN cho biết đã nhận được đơn kiến nghị của GS Nguyễn Ngọc Châu và đã yêu cầu hai hội đồng ngành Dược và ngành Y kiểm tra kỹ. Chủ tịch Hội đồng ngành Dược, GS Lê Quan Nghiệm, cho biết đã có kết quả kiểm tra lại và đã gửi HĐGSNN.