Hiện nay, mỗi cơ sở giáo dục ÐH đều có nhiều hình thức đào tạo, trong đó có Chương trình chất lượng cao. Hệ tại chức được gọi là “nồi cơm” của các trường ÐH hiện đã nhường chỗ cho các CTCLC, chương trình tiên tiến và các chương trình dạy bằng tiếng Anh.
Mô hình của nhà nghèo vượt khó
CTCLC bắt đầu tuyển sinh rộng rãi vào năm 2014 với mục tiêu thúc đẩy năng lực cạnh tranh của sinh viên Việt Nam trên thị trường lao động khu vực. Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH FPT, các trường ĐH công lập thu học phí theo mức trần do nhà nước quy định nên rất “bí”. Để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT đã mở “lối thoát” bằng cách ban hành thông tư về CTCLC.
Chính vì thế nên trường nào cũng mở CTCLC. Đại diện trường ĐH Ngoại thương cho biết, khi chuyển sang thực hiện tự chủ, trường đã gặp không ít khó khăn vì cơ sở vật chất còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tích lũy tài chính ở mức độ khiêm tốn… Do đó, trường đã phải đa dạng hóa và phát triển các chương trình đào tạo, phát triển các CTCLC, chương trình tiên tiến, mở rộng các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, trường mở hệ CLC trước tiên giải bài toán tài chính, sau đó là giải bài toán chất lượng.
Đang học năm thứ 3 hệ CLC ngành Kinh tế quốc tế trường ĐH Ngoại thương, sinh viên H.A. N cho biết, do mức học phí gấp đôi hệ đại trà (học phí mà A.N đang đóng là 890.000đ/tín chỉ) nên sinh viên CTCLC được ưu tiên về mọi mặt: lớp học tín chỉ khoảng 60 sinh viên/lớp (lớp đại trà từ 120-180 sinh viên); chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh trừ một số môn; giảng viên của hệ đại trà là người Việt, CLC có 20-30% giảng viên người nước ngoài. Theo sinh viên này, nội dung chương trình các môn học không khác nhiều so với hệ đại trà. Điểm khác lớn nhất là một hệ học tiếng Việt, 1 hệ học tiếng Anh nên sinh viên của CTCLC có lợi thế hơn khi đi xin việc.
Tuy nhiên, tiếng Anh vừa là thuận lợi và cũng là trở ngại đối với sinh viên CTCLC. Nhiều sinh viên theo học CTCLC khóa 2017-2020 của trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, đối với các lớp được đào tạo CLC của những khóa trước, các môn chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh, nhưng từ khóa 13 lại dạy toàn tiếng Việt.
Nhà trường lý giải là do một số năm gần đây, trường nhận thấy việc giảng dạy bằng tiếng Anh chưa ổn vì một số sinh viên không theo kịp giáo trình bằng tiếng Anh. Qua thăm dò ý kiến, trường quyết định thay đổi cách dạy bằng tiếng Việt và trình chiếu powerpoint bằng tiếng Anh, để phù hợp hơn và giúp sinh viên dễ tiếp thu hơn. Ngoài ra, trường tăng cường thêm cho CTCLC 10 tín chỉ tiếng Anh để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên.
Cần “trả lại tên” cho đúng
Hiện nay, quy mô sinh viên cũng như các ngành học của các cơ sở giáo dục ĐH hướng đến đào tạo CLC ngày càng tăng. Từ trường công lập cho đến các trường tự chủ. Tại Trường ĐH Mở TP HCM, CTCLC cũng được trường triển khai từ vài năm nay. Hiện có khoảng 25% sinh viên chính quy học CTCLC.
Tỷ lệ này tại trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM là 50%. Tại trường ĐH Bách khoa TP HCM đến nay đã có 15 CTCLC. Năm 2020, trường dự kiến mở thêm 5 CTCLC nữa. Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH quốc gia TP HCM) cũng có 8 CTCLC; Trường ĐH Kinh tế TP HCM năm nay cũng dành 30% chỉ tiêu các ngành cho chương trình CLC; Trường ĐH Ngân hàng 800 chỉ tiêu (gần 25%); Trường ĐH Tài chính- Marketing 1.400 chỉ tiêu cho 6 chuyên ngành; Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng có 10 lớp CLC; Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) có 6 ngành đào tạo nhưng từ năm 2019-2020, trường đã chuyển 5/6 ngành sang CTCLC.
Tuy nhiên, cách thức tuyển sinh CTCLC hiện nay của nhiều trường rất khác nhau. Có trường sau khi sinh viên trúng tuyển rồi mới vận động học CTCLC, có trường công khai điểm xét tuyển - điểm trúng tuyển, chỉ tiêu rõ ràng ở từng ngành, chuyên ngành. Điều đáng nói, hiện cả nước không có chương trình CLC nào có điểm chuẩn tuyển sinh cao hơn chương trình đại trà. Thậm chí, nhiều trường điểm CTCLC còn thấp hơn chương trình đại trà.
Hiện nay, có những trường công lập gần như đào tạo hoàn toàn theo CTCLC khiến người học muốn vào học thật sự gặp khó khăn, tạo ra sự bất bình đẳng. Một phó giáo sư cho biết, ủng hộ tinh thần chung là cần tăng dần học phí ĐH lên để có điều kiện đầu tư nâng cao chất lượng. Nhưng ông không ủng hộ việc một trường công lập có 2 chương trình với hai mức học phí khác nhau vì như vậy là “trường tư trong trường công”.
Khi tranh luận với các trường ÐH về CTCLC, ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Giáo dục ÐH, Bộ GD&ÐT lại cho biết, Kiểm toán Nhà nước khi làm việc với Bộ GD&ÐT đã chỉ đích danh các trường tuyển chất lượng cao, học phí cao nhưng ngưỡng đầu vào thấp hơn. Do đó, không thể gọi là chất lượng cao mà chỉ là dịch vụ cao hơn, có máy lạnh, giảng viên được tuyển chọn hơn.