So với dự thảo lần hai được công bố ngày 14/1 dự thảo lần này đã tiếp thu ý kiến đóng góp của dư luận xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một điểm đang gây tranh cãi trong giới khoa học
Dự thảo lần 2 để lấy ý kiến về thông tư sửa đổi, Bộ GD&ĐT đã bãi bỏ quy định công bố công khai trên trang thông tin điện tử của HĐGSNN danh sách thành viên HĐGSNN và bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên (điểm e, khoản 3, điều 7) tại thông tư số 04 ban hành năm 2019. Việc bỏ quy định này lập tức vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía các nhà khoa học. Vì cho rằng đây là một bước thụt lùi, bãi bỏ tính minh bạch và công khai mà Chính phủ đang theo đuổi và thực thi.
Bản dự thảo mới nhất, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (đơn vị soạn thảo thông tư) khôi phục lại quy định này. Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi theo hướng danh sách ủy viên HĐGSNN, danh sách thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành kèm theo lý lịch khoa học được công bố công khai, cập nhật thường xuyên trên Trang thông tin điện tử HĐGSNN.
Như vậy, theo dự thảo ủy viên Hội đồng hiện nay gồm 28 người là Chủ tịch Hội đồng ngành, liên ngành phải công khai lý lịch khoa học. Còn 4 lãnh đạo Hội đồng là Chủ tịch và các Phó Chủ tịch do Thủ tướng bổ nhiệm sẽ không công khai lý lịch khoa học.
Một điểm mới của dự thảo là thay thế cụm từ “tóm tắt lý lịch khoa học bằng cụm từ “lý lịch khoa học”. Đánh giá về những điều chỉnh này, GS Phùng Đắc Cam, thành viên hội đồng Giáo sư ngành y (2009-2019) cho rằng việc khôi phục lại yêu cầu công khai lý lịch khoa học như trên là một sự tiến bộ, HĐGSNN đã tiếp thu các ý kiến góp ý của nhiều nhà khoa học.
Cần công khai lý lịch khoa học lãnh đạo hội đồng
Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT vẫn chưa tiếp thu “triệt để”. Vì trong dự thảo chỉ yêu cầu công khai lý lịch khoa học của các ủy viên hội đồng, còn lãnh đạo hội đồng mà cụ thể ở đây là chủ tịch và 3 phó chủ tịch lại không yêu cầu phải công khai. GS Phùng Đắc Cam cho rằng nên công khai lý lịch tất cả các thành viên HĐGSNN. Vì đây là một hội đồng chuyên môn, xem xét tiêu chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo sư.
Đồng tình với quan điểm này, GS Trần Đức Viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đề nghị phải công khai hết, không có vùng cấm.
Tuy nhiên, PGS. TSKH Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) có quan điểm khác. Theo ông, điều quan trọng nhất là lý lịch khoa học của các thành viên hội đồng ngành. Vì đây là hội đồng quyết định về chuyên môn của các ứng viên tham gia xét duyệt. Còn chủ tịch và phó chủ tịch cũng không nhất thiết phải công khai vì làm quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong quy định của thông tư năm 2019 có quy định công bố công khai tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên HĐGSNN, Hội đồng ngành/liên ngành nhưng đến giờ vẫn chưa thấy công bố. Bộ GD&ĐT cần làm nghiêm túc vấn đề này.
Ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng HĐGSNN cho biết thành viên HĐGSNN hiện nay gồm 32 người, trong đó 4 lãnh đạo Hội đồng (1 chủ tịch và 3 phó chủ tịch) đều do Thủ tướng bổ nhiệm và làm công việc quản lý. Còn ủy viên Hội đồng giáo sư nhà nước chỉ có 28 người, bầu từ đội ngũ nhà khoa học đang hoạt động giảng dạy bình thường. Vì vậy, cần công khai lý lịch khoa học của các ủy viên HĐGSNN và thành viên hội đồng ngành/liên ngành.