Thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước: Cần công khai lý lịch khoa học

Ứng viên GS/PGS khó tâm phục, khẩu phục khi không công khai lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư
Ứng viên GS/PGS khó tâm phục, khẩu phục khi không công khai lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư
TP - Các ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành phải khai đầy đủ lý lịch khoa học. Đây là điểm mới của Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở (Thông tư số 04/2019). Theo quy định hiện hành, các ủy viên chỉ khai tóm tắt lý lịch khoa học.  

Điểm đáng chú ý của các nhà khoa học đối với dự thảo thông tư lần này là Bộ GD&ĐT dự kiến không công khai lý lịch khoa học của thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước mà chỉ công khai lý lịch khoa học của Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành. 

PGS Trần Minh Tiến, Viện Vật lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, không công khai bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước thì công luận không thể giám sát việc các thành viên được bổ nhiệm có xứng đáng, có khuất tất, có vi phạm các quy định, quy chế hay không.

“Trong khi lý lịch khoa học của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải công khai trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư Nhà nước mà bản tóm tắt lý lịch khoa học của những người xét duyệt lại giấu đi, không công khai là khó hiểu.

Không khuất tất sao lại phải sợ công khai? Việc giấu thông tin lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước như bản dự thảo Thông tư sửa đổi đưa ra là một bước thụt lùi, bãi bỏ tính minh bạch và công khai mà Chính phủ đang theo đuổi và thực thi”, PGS Trần Minh Tiến nhận định.

Ông Tiến cho rằng, mặc dù Thông tư 04 đang có hiệu lực, nếu Hội đồng Giáo sư Nhà nước vẫn không công bố bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng là bất chấp công luận.

Trước đó, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, Hội đồng đã có đầy đủ lý lịch khoa học của các thành viên trong Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Tuy nhiên, vì thông tư chỉ yêu cầu tóm tắt lý lịch khoa học nên chưa công khai. Vì thế nhìn vào sẽ thấy thành tích của các thành viên Hội đồng “hẻo” hơn các ứng viên, do chỉ yêu cầu khai có 5 công trình hoặc sách, báo.

Công khai ở mức nào?

Về vấn đề này, GS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ) thông tin, lý lịch khoa học của các ứng viên thành viên Hội đồng Nafosted (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, thuộc Bộ KH&CN) chưa được công khai cho đại chúng nhưng được mở riêng cho cộng đồng cùng lĩnh vực trong thời gian bình chọn online các thành viên Hội đồng ngành.

Các nhà khoa học chủ trì các đề tài Nafosted và đạt các tiêu chuẩn công bố ISI được cấp mật khẩu để xem lý lịch khoa học của các ứng viên trong thời gian bình bầu. Những người phản biện các đề tài cũng được xem lý lịch khoa học của người xin đề tài. Từ kinh nghiệm của Nafosted, GS Nguyễn Ngọc Châu cho hay, chỉ cần cung cấp lý lịch khoa học của các ứng viên Hội đồng Giáo sư các cấp lên website trong thời gian bình chọn online (2-3 tuần) là được.

Vừa qua Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước hầu như không tiến cử ứng viên hội đồng các cấp trên cơ sở bầu online từ cộng đồng khoa học (từ giáo sư, phó giáo sư) mà chủ yếu từ các Hội đồng cũ, các cơ sở giáo dục đại học.

“Tôi đề nghị tiến cử thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp trên cơ sở bầu online của các nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư, trên cơ sở đánh giá lý lịch khoa học của các ứng viên theo tiêu chí ứng viên có nhiều thành tích công bố ISI/SCOPUS tốt sẽ được chọn (tất nhiên cũng cần xem xét yếu tố cơ quan, vùng miền) để có được các Hội đồng xứng đáng là người cầm cân nảy mực cho việc xét giáo sư, phó giáo sư hàng năm”, GS Nguyễn Ngọc Châu nói.

Theo GS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc bỏ quy định công khai lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước là một bước tụt lùi. Xã hội ngày càng công khai minh bạch, cớ sao phải giấu lý lịch khoa học của các giáo sư?

Phải chăng có gì không ổn thì mới phải giấu? Do đó, tôi đề nghị cần công khai hết. Lý lịch khoa học của các giáo sư có phải bí mật quốc gia gì đâu mà phải giấu. Thực tế, tuy Hội đồng Giáo sư Nhà nước chưa công khai nhưng soi vào các thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp hiện nay sẽ thấy có những người có lý lịch khoa học thật sự “thảm hại”.

Theo GS Phùng Đắc Cam, nguyên thành viên hội đồng giáo sư ngành y, thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp có vai trò rất quan trọng đối với các nhà khoa học tương lai của đất nước. Chính vì vậy, cần công khai lý lịch khoa học của tất cả các thành viên này. Tại sao trong thông tư hiện hành công khai mà đến khi sửa đổi lại bỏ quy định này? Có điều gì cần phải giấu giếm ở đây chăng? Theo tôi cần công khai lý lịch khoa học của thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp.

MỚI - NÓNG