Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Hồng Lạc – Phó Giám đốc kiêm trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp cho biết bà đã gặp nhiều các bệnh nhi bị nấm miệng khiến bé quấy khóc, bỏ bú nhưng bố mẹ lại nghĩ con bị tưa lưỡi nên chủ quan, không đưa đi khám, chỉ đến khi bé bệnh nặng mới vội vàng đưa đến bệnh viện.
Ngoài ra, một số trường hợp khi trẻ được sinh ra, bố mẹ hay nhỏ chanh hoặc mật ong nguyên chất vào miệng trẻ với hy vọng trẻ sẽ sạch hết rớt dãi trong miệng và sau này sẽ không bị tưa lưỡi. Đó là quan niệm không đúng vì trong chanh có nhiều axitlactic còn mật ong nếu bào chế không tốt có thể chứa bào tử vi khuẩn clostradium botulinum, chuyển dạng thành vi khuẩn sống gây nguy hiểm cho trẻ.
“Nếu không điều trị kịp thời thì nấm có thể lan vào trong hệ tiêu hoá gây nấm thực quản, nấm dạ dày, nấm ruột, nấm hô hấp.... Đặc biệt là có thể đi vào máu gây nhiễm khuẩn huyết do nấm. Khi đó điều trị cho trẻ rất khó khăn và tốn kém”. Bs. Lạc khuyến cáo.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi (ĐH Y Hà Nội), nấm miệng là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em, thường xuất hiện khi hệ thống miễn dịch và sức đề kháng của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Hơn nữa, do trẻ ở lứa tuổi nhỏ nên rất khó chăm sóc sức khỏe răng miệng. Bên cạnh đó, việc cho trẻ dùng corticoid hít, hay xông trong dự phòng suyễn mà không súc miệng sau xịt, hay dùng kháng sinh kéo dài, suy dinh dưỡng cũng có thể là nguyên nhân gây nấm miệng ở trẻ nhỏ.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết: “Nấm miệng là bệnh gây ra do nấm nên chúng ta có thể điều trị tại chỗ cho trẻ bằng thuốc kháng nấm candida, đồng thời tăng cường vệ sinh răng miệng cho trẻ. Trong đó, nystatin là thuốc hay được dùng để điều trị nấm miệng tại chỗ. Bên cạnh đó, miconazole dạng gel cũng là thuốc hay được dùng để điều trị nấm miệng ở trẻ”.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết thêm, đối với đa số trẻ em bị nấm miệng, chỉ cần dùng thuốc điều trị tại chỗ là có thể điều trị thành công. Chỉ một số hiếm trường hợp phải dùng thuốc uống tác dụng toàn thân như những trường hợp không đáp ứng thuốc kháng nấm bôi tại chỗ và đối với những bé bị suy giảm hệ miễn dịch.
Bên cạnh đó, mặc dù một số trẻ bị nấm miệng được điều trị đúng thuốc, đủ thời gian nhưng sau đó hay bị tái phát, hay kéo dài là do bị tái nhiễm từ các dụng cụ sinh hoạt có nhiễm nấm can- dida chưa được làm sạch hoặc từ các vật dụng có nhiễm nấm như bàn chải, đồ chơi…
Đặc điểm của nấm candida
✔ Có 40 - 60% dân số là người lành mang candida trên cơ thể.
✔ Candida bình thường tồn tại ở da, hệ tiêu hóa, cơ quan sinh dục nữ... và có nhiều chủng khác nhau, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là chủng candida albicans 70%.
✔ Trẻ thường nhiễm candida trong lúc sinh khi mẹ bị nấm candida âm đạo lúc mang thai. ✔ Miệng trẻ sơ sinh có pH thấp sẽ thuận lợi cho nấm phát triển.
✔ Nấm candida chiếm 0,5 - 20% số trẻ khỏe mạnh và 50% trẻ nhiễm HIV-AIDS.