Công việc câu mực bắt đầu từ chiều tối hàng ngày, mỗi người một thuyền thúng được thuyền lớn thả xuống biển tỏa đi khắp nơi để câu.
"Chúng tôi làm việc từ 19h đến 5h sáng, sau đó chèo thúng về tàu làm ruột, xẻ mực đem phơi khoảng ba ngày nắng liên tục trước khi đóng vào bao", ngư dân Nguyễn Văn Lân nói. Mỗi đêm một thuyền viên câu được 20 kg mực khô.
Mỗi tàu cập bờ khoang chất đầy bao tải chứa mực, trung bình một tàu đánh bắt từ 20-30 tấn.
Các thuyền viên bốc vác cân bán cho thương lái với giá 195.000 đồng một kg. “Vụ mực đầu năm thời tiết thuận lợi, giá bán cao gấp đôi năm trước báo hiệu năm nay ngư dân thu nhập nhiều hơn mọi năm”, chủ tàu câu mực QNa-90039 ông Lương Văn Cam, xã Tam Giang chia sẻ.
Tàu ông Cam bám biển gần 50 ngày thu được 27 tấn mực khô bán hơn 5,2 tỷ đồng. “Trừ chi phí, tôi thu lời hơn 1,1 tỷ đồng, gần 50 lao động có thu nhập từ 60 đến 100 triệu đồng mỗi người”, ông Cam tiết lộ.
Mực sau khi thu mua được thương lái tiếp tục phơi cho khô hẳn.“Tàu tôi câu được hơn 20 tấn, thu 3,9 tỷ đồng. Trừ chi phí, chủ tàu được hơn 700 triệu đồng, mỗi thuyền viên trên 50 triệu đồng”, ông Lương Văn Tồn, chủ tàu QNa 91919, có 47 thuyền viên đánh bắt trên biển 50 ngày chia sẻ.
Mực được phân loại trước khi xuất bán. “Mỗi đợt tàu về, tôi thu mua khoảng 200 tấn, tất cả số hàng này đóng gói và bán sang Trung Quốc”, một thương lái cho hay.
Bán xong mực, các tàu lại mua sắm nhu yếu phẩm đưa lên tàu chuẩn bị chuyến đánh bắt dài ngày.
Xã Tam Giang là địa phương tập trung nhiều tàu câu mực khơi nhất của tỉnh Quảng Nam với trên 26 tàu, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Vươn khơi bám biển, những tàu câu mực này cũng góp công sức bảo vệ, khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.