Phạm nhân Hưng tại trại giam Vĩnh Quang
Vết trượt cuộc đời
Phạm nhân Trần Quang Hưng sinh năm 1979, hiện đang chấp hành án tù chung thân về tội “Giết người” là con của bà Nguyễn Thị Huệ, (ở thôn Yên Lã 2, xã Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Theo hồ sơ vụ án, trưa ngày 24/3/2007, ông Nguyễn Tất An (trú tại thôn Tân Lã, xã Tân Hồng) có mời Hưng và Tống Trường Lộc (SN 1975) đến ăn mừng cho đám hỏi của con gái. “Năm lớp 10, bác An có nhận tôi làm con nuôi. Hôm làm đám hỏi cho con gái, hai bác nhất quyết đòi tôi đến dự bằng được. Tôi cũng không thể ngờ, chỉ vì một mâu thuẫn rất nhỏ trong bữa tiệc mà tôi phải trả cái giá quá đắt”, phạm nhân Hưng thở dài nói.
Bà Huệ (mẹ Hưng) kể về con trai.
Là chỗ anh em quen biết nên trong bữa ăn, Hưng có cầm chén rượu sang mâm của Lộc để mời rượu. Thấy Hưng, Lộc lấy “vai vế” đàn anh yêu cầu phải uống với Lộc trước. Sau khi uống với Lộc, Hưng rót rượu định mời tất cả những người trong mâm nhưng Lộc không cho mà lại ép Hưng uống tiếp. Uống xong chén thứ hai, Lộc lại rót tiếp rượu vào chén Hưng đòi uống cạn.
Thấy vậy, Hưng liền nói: “Anh nhiều tuổi hơn em, anh em mình uống hai chén rồi, em mời anh chén thứ ba thì thôi, tất cả cùng uống xong thì thôi không uống nữa”. Cho rằng Hưng khiếm nhã với mình, Lộc bất ngờ tát vào mặt Hưng mấy cái. Bị đánh giữa chỗ đông người, Hưng bất bình nên hỏi: “Sao anh lại tát em?” thì Lộc trả lời: “Tao thích tát mày đấy” rồi lại dùng tay tát tiếp vào mặt Hưng.
Hai bên xảy ra giằng co nhưng khi được mọi người can ngăn, Hưng không đánh lại mà vào nhà ông An nằm ngủ. Đến khoảng 16h, Hưng ngủ dậy đi về nhà thì gặp mẹ. Hưng có kể lại cho bà Huệ nghe việc lúc trưa bị đánh. Đến khoảng 18h30, Hưng nói với mẹ: “Con sang nhà anh Lộc hỏi xem thế nào mà lúc trưa anh tát con”. Bà Huệ sợ xảy ra chuyện không hay nên can ngăn nhưng không được bèn cùng Hưng sang nhà Lộc.
Lúc này trời tối, lại mất điện nên trong nhà Lộc thắp nến, Hưng vào hỏi: “Sao buổi trưa anh tát em, bây giờ anh thích gì”. Hai bên to tiếng với nhau thì Tống Trường Lệ - em trai Lộc đi tới ôm Hưng đẩy ra ngoài cổng vừa đi vừa nói: “Anh về đi có chuyện gì nói chuyện sau”. Lúc này Lộc và bố là ông Tống Trường Lợi đang bế cháu trên tay cùng đi ra ngõ. Ông Lợi cũng nói Hưng về đi.
Cho rằng Hưng vào nhà mình “quậy”, Lộc lớn tiếng thách thức: “Mày vào nhà tao mày thích gì”. Bị kích động, Hưng dùng hai tay hất mạnh làm Lệ bật tay ra, Hưng lấy con dao gấp đa năng từ trong túi quần xông đến chỗ ông Lợi đâm liên tiếp. Thấy bố bị đánh, Lộc xông vào đánh Hưng làm Hưng ngã ra đường. Đến lúc vùng dậy, Hưng cầm dao đâm Lộc thì bị Lộc và Lệ nhặt đá ném đuổi theo làm Hưng bị ngã xuống ao.
Chứng kiến việc con mình xảy ra xô xát với 3 người nhà ông Lợi, bà Huệ tìm cách ngăn cản nhưng không được. Đến lúc Hưng lên được ao, bà mới đưa con trai về nhà một người cùng thôn. Trên đường đi Hưng đã vứt con dao gây án nên công an không thu hồi được. Ông Lợi được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bênh viện Đa khoa Bắc Ninh nhưng do vết thương trúng chỗ hiểm nên đến 20h30 cùng ngày thì tử vong.
“Tôi là giáo viên dạy võ nên trong túi lúc nào cũng có một con dao đa năng để bấm móng tay cho học viên khi kiểm tra điều lệnh. Hôm đó, anh Lộc ép tôi uống liền mấy chén rượu rồi lại tát tôi nhiều cái. Đến tối, tôi chỉ định sang nhà hỏi cho ra nhẽ, tránh để tới hôm cưới, anh em có rượu vào lại xảy ra va chạm thì không hay. Không may, khi đến nơi, anh Lộc lại nóng tính chửi bới khiến tôi không kiềm chế được nên gây ra án mạng”, Hưng buồn bã kể lại.
Tại bản kết luận giám định pháp y của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh kết luận: Nguyên nhân cái chết của ông Lợi là do vết thương thấu phổi và vết thương thấu gan gây mất máu cấp tính dẫn đến truy tuần hoàn rồi tử vong. Ngày 14/9/2007, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm đã áp dụng điềm n khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 34 Bộ luật hình sự, xử phạt Trần Quang Hưng tù chung thân về tội “Giết người”.
Sau đó, Hưng đã kháng cáo lên tòa phúc thẩm với lý do: Bị cáo không có ý thức đem dao đến nhà anh Lộc để đánh nhau, khi đâm ông Lợi là do bị đánh, sau khi phạm tội, bị cáo đã ra đầu thú, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo do bị kích động bởi hành vi của anh Lộc tát bị cáo tại nhà ông An và xông vào đánh Hưng tại sân nhà bị hại, đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử lại nhận định, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ giữa Hưng và anh Lộc, bị cáo đã chủ động đem dao gấp đến nhà anh Lộc gây sự. Ông Lợi chỉ là người khuyên can nhưng đã bị Hưng đâm nhiều nhát gây tử vong. Cấp sơ thẩm đã truy tố và xét xử Hưng về tội “Giết người” với tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự là chính xác, đúng pháp luật.
Nỗi ân hận sau song sắt
Sau khi có quyết định thi hành án, Hưng được đưa về Trại giam Vĩnh Quang (thuộc Tổng cục Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ Tư Pháp - Bộ Công An). Người xưa có câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” ý muốn nói “Một ngày bị giam hãm trong tù bằng nghìn năm ở ngoài”. Đến nay, Hưng đã thi hành án được hơn 7 năm. Lúc đầu, nghĩ đến mức án quá dài Hưng đã không tránh được tâm lý thất vọng, buồn chán.
Sau đó, được các cán bộ quản giáo động viên, chia sẻ, Hưng không chỉ hiểu ra lỗi lầm của mình mà mỗi ngày đều cố gắng cải tạo thật tốt để có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình, phụng dưỡng mẹ già. “Chỉ trong một lần mất bình tĩnh mà tôi gây nên họa lớn. Đánh mất chính mình. Đánh mất tương lai, khiến mẹ già, vợ con cũng vì mình mà gánh thêm khó khăn, vất vả”, phạm nhân Hưng chia sẻ.
Một cú sốc nữa đối với Hưng đó chính là quyết định ly hôn của người vợ. Dù đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nhưng khi đón nhận giấy của tòa án, Hưng vẫn cảm thấy trống vắng, hụt hẫng. Hưng tâm sự: “Năm đầu tiên, cô ấy còn đưa con lên thăm nhưng rồi cứ thưa dần. Từ trong sâu thẳm, tôi vẫn dành tình yêu cho cô ấy. Lẽ ra tôi phải là chỗ dựa cho vợ con nhưng tôi đã không làm được điều đó. Thế nên dù buồn, tôi vẫn vui vẻ để cho cô ấy ra đi và cầu cho cô ấy hạnh phúc”.
Chỉ còn 1 người mà có lẽ suốt cả đời này, Hưng sẽ không bao giờ đền đáp được hết công ơn, đó chính là người mẹ già đã tần tảo nuôi Hưng khôn lớn, trưởng thành. Cũng người mẹ ấy, sau những ngày ngã khụy, khóc hết nước mắt vì tai họa mà đứa con trai độc nhất gây ra lại gượng đứng dậy, chắt chiu nốt phần nhựa sống còn lại lo cho con, là điểm tựa để Hưng có động lực quay về. Vẫn với chiếc xe đạp cũ, bà lại cọc cạch chạy chợ để lo cho Hưng tấm chăn, cái bánh chưng, gói mứt khi xuân về.
Chính vì thế, khi tham gia cuộc thi với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”, Hưng đã gửi lá thư đầy nước mắt tới người mẹ già nơi quê nhà. Bức thư với những lời ân hận từ đáy lòng người con không chỉ khiến bà Huệ rơi nước mắt mà nhiều phạm nhân ở Trại giam Vĩnh Quang khi được nghe đọc cũng rưng rưng cảm động.
Bức thư có đoạn: “Mẹ! Con chưa báo đáp được mẹ ngày nào, ngược lại con đã đem đến cho mẹ nhiều đau buồn, nỗi buồn lớn nhất mà mẹ nhận được ở con là vào thời điểm cách đây 7 năm 5 tháng 1 ngày. Con biết mẹ đã rất đau khổ và chua xót bởi bao niềm tin, hy vọng về con bỗng nhiên sụp đổ, con đã tự tay đóng cửa tương lai của mình và cũng là tương lai của mẹ...
...Từ đáy lòng của con, một người con chưa tròn chữ hiếu, chưa làm tròn bổn phận của một người con, để mẹ phải đau lòng, buồn tủi, con chưa một ngày báo đáp công ơn dưỡng dục của mẹ, con có nói ngàn lời xin lỗi với mẹ cũng không đủ. Con chỉ cầu mong một điều là mẹ hãy giữ gìn sức khỏe, hãy cho con thêm một cơ hội. Mẹ hãy tin rằng con sẽ cố gắng thật nhiều để cải tạo được tốt. Con sẽ tu dưỡng để mẹ yên tâm, để mẹ sẽ còn một người con biết suy nghĩ, biết phân biệt phải trái và còn có ích cho xã hội”.
Oán thù nên cởi chứ không nên buộc, điều đặc biệt, trong lá thư, Hưng cũng đã gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân. Hưng viết: “Cũng như mẹ rất đau khổ khi con vụt mất khỏi vòng tay của mẹ thì gia đình bác ấy cũng không kém phần đau đớn khi mất đi một người chồng, một người cha, một người ông. Con biết dù nói gì chăng nữa cũng không thể lấy lại được điều đã mất, con chỉ cầu mong gia đình bác ấy nguôi ngoai phần nào và tha thứ để con bớt day dứt lương tâm”.
Lại một cái Tết, một mùa xuân nữa Hưng ăn Tết trong trại giam nhưng chúng tôi tin rằng, với sự ân hận, thấm thía vì phải trả giá cho lỗi lầm mình gây ra, Hưng sẽ có thêm động lực để quyết tâm cải tạo thật tốt. “Cả cuộc đời mẹ đã hy sinh hết, đã dành hết tất cả để lo lắng cho tôi. Tôi chỉ cầu mong sớm có ngày về để đền đáp được phần nào công ơn trời bể của mẹ”, Hưng bày tỏ.