Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố; các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, đối tượng miễn phí qua các trạm BOT được quy định tại Khoản 10 Điều 4 Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông Vận tải quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ quản lý.
Cụ thể, xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.
Các phương tiện chở cán bộ, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, chở người từ vùng dịch về các địa phương; các phương tiện chở cán bộ, người làm việc tại các chốt kiểm dịch do Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thành lập; các phương tiện chở hàng hóa ủng hộ nhân dân các vùng dịch.
Điều kiện để các phương tiện được miễn phí gồm các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa; các phương tiện chở cán bộ, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, các phương tiện chở người từ vùng dịch về các địa phương; các phương tiện chở cán bộ, người làm việc tại các chốt kiểm dịch do Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thành lập cần xuất trình giấy tờ liên quan như lệnh điều động, các quyết định... của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Các phương tiện chở hàng hóa ủng hộ nhân dân các vùng dịch có văn bản của chính quyền địa phương (Ủy ban Nhân dân) hoặc cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội liên quan đến công tác cứu trợ, nhân đạo (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ...); thực tế có chở hàng hóa thiết yếu ủng hộ nhân dân các vùng dịch.
“Nếu các phương tiện không đủ 2 yếu tố trên, các đơn vị thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đúng quy định,” ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định.