Trước tình trạng ô nhiễm tại các sông, hồ ngày một tăng cao trên địa bàn, những năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT Hà Nội đưa ra những biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về xả thải môi trường. Tuy nhiên, việc áp dụng mức xử phạt hành chính ở mức thấp như hiện nay dường như chưa đủ răn đe.
Xử phạt xả thải như “muối bỏ bể”
Trong tháng 9/2016, Sở TN&MT đã thành lập đoàn kiểm tra các doanh nghiệp xả thải ra sông Đáy tại xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức). Kết quả kiểm tra cho thấy, vẫn còn 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may “phớt lờ” các quy định về bảo vệ môi trường, chưa lập đề án bảo vệ môi trường, hệ thống xả thải chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, bao gồm: Cty CP Dệt may Trung Thu, Cty TNHH Trường Thịnh, Cty Thiên Hoàng Anh, Cty Toàn Thắng. Tổng mức xử phạt hành chính là gần 1,1 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia trong lĩnh vực TN&MT cho biết, nước thải, đặc biệt là nước thải công nghiệp (nhà máy, làng nghề, KCN…) thải ra chưa qua xử lý đều gây ra những tác động nặng nề đối với môi trường. Việc nhiều cơ quan vào kiểm tra rồi xử phạt hành chính tổng cộng trên 10 tỷ đồng trong năm qua là chưa đủ tính răn đe, bởi nếu chiếu theo đúng quy định thì doanh nghiệp phải bỏ ra 10 - 20% lợi nhuận để xây dựng phương án xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Nếu không đưa ra chế tài xử lý mạnh tay và nghiêm khắc, sẽ rất khó đưa các cơ sở sản xuất vào khuôn khổ.
Đề án giải cứu sông ô nhiễm vẫn nằm trên giấy
Từ năm 1999 đến nay, đã có nhiều đơn vị lập đề án nghiên cứu, khảo sát, đề xuất các biện pháp giải cứu lưu vực sông Tô Lịch (bao gồm cả sông Sét, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, sông Lừ). Cụ thể, từ năm 1997, Cty cấp thoát nước Hà Nội đã điều tra và xây dựng phương án xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống sông Tô Lịch. Năm 2003, sông Tô Lịch bắt đầu được nạo vét và kè 2 bên bờ theo dự án thoát nước thành phố Hà Nội (giai đoạn 1) nên chất lượng nước sông được cải thiện một phần.
Năm 2014, cùng với đề xuất xây dựng hệ thống cống thu gom và nhà máy xử lý nước thải (XLNT), Sở TN&MT đề xuất hai biện pháp giải cứu tình trạng ô nhiễm ở sông Tô Lịch, bao gồm: Đưa nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, thông qua hệ thống hồ lắng để giảm lượng phù sa, trước khi đưa nước chảy vào sông Tô Lịch tại điểm cống Nghĩa Đô (chảy dọc công viên Nghĩa Đô và đường Nguyễn Khánh Toàn). Mục tiêu đề ra là biến sông Tô Lịch thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, người dân có thể đi dạo hai bên bờ sông.
Tuy nhiên, đến nay đề án có dự toán đầu tư khoảng gần 2.000 tỷ đồng nêu trên vẫn chưa được triển khai do những khó khăn về nguồn vốn. Ngoài ra, UBND thành phố đã có nhiều đề án XLNT giảm bớt ô nhiễm cho các dòng sông như: Nhà máy đặt tại Phú Đô có công suất 84.000 m3/ngày/đêm, vốn 1.500 tỷ đồng; nhà máy XLNT Tây Sông Nhuệ (58.000 - 89.000m3/ngày/đêm); Phú Thượng (15.000 - 21.000m3/ngày/đêm)…
Tuy nhiên, sau nhiều năm khởi xướng, các dự án XLNT đối với sông Tô Lịch và các con sông khác vẫn tồn tại trên “giấy”, do thành phố chưa bố trí được nguồn vốn. Hàng triệu người dân hai bên bờ sông vẫn phải chịu đựng mùi hôi thối từ hàng nghìn m3 nước thải đủ loại.
Về thực trạng ô nhiễm nước sông trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, 4 dòng sông thoát nước chính của Hà Nội đều đang trong tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là các vùng hạ lưu từ Hoàng Mai đến Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức. Thành phố đã có chương trình XLNT ở các dòng sông thoát nước chính của Hà Nội, tuy nhiên, số vốn để thực hiện chương trình rất lớn, khoảng 20 - 30 nghìn tỷ đồng.
Thời gian qua thành phố đã bố trí vốn để thực hiện một số dự án trọng tâm. Đồng thời, lãnh đạo Hà Nội cho rằng: Thu gom hệ thống nước thải theo phương án xã hội hoá là việc bắt buộc phải làm. Cần chia nhỏ, khoanh vùng điểm thải để đẩy nhanh tiến độ càng nhanh càng tốt.