Phụng sự doanh nghiệp, thay đổi văn hóa 'đi xin, đi chạy'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần cấp thiết đơn giản thủ tục hành chính, thay đổi văn hóa doanh nghiệp phải “đi xin, đi chạy”...
Phụng sự doanh nghiệp, thay đổi văn hóa 'đi xin, đi chạy' ảnh 1

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: QH

Ngày 31/5, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế, xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, cần cấp thiết đơn giản thủ tục hành chính, thay đổi văn hóa doanh nghiệp phải “đi xin, đi chạy”, đồng thời sớm tiếp tục hạ lãi suất, giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Trước khó khăn của người lao động hiện nay, ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, có thể sử dụng nguồn 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ đang tồn dư để linh hoạt bố trí hỗ trợ người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp; đồng thời hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.

“Lúc đó chúng ta sẽ kích hoạt nền kinh tế và đưa lượng tiền chưa sử dụng vào nền kinh tế, như vậy sẽ ổn định hơn, sẽ kích cầu hơn. Bổ sung những giải pháp này có thể kích cầu ngay cho nền kinh tế”, ông Tuấn nói.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, có bốn nút thắt doanh nghiệp đang gặp phải là: thiếu hụt đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn, thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý.

Đánh giá cao khi Chính phủ đã có nhiều giải pháp, dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất, tuy nhiên theo ông, giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa vào sản xuất, kinh doanh. ĐB đề nghị phải đơn giản thủ tục hành chính, thay đổi văn hóa “doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”.

“Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ phụng sự doanh nghiệp, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó. Những việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay. Cần bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, không để đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp “đã gần đất xa trời”, ông An nói.

Trong khi đó, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) bày tỏ lo ngại khi nhiều doanh nghiệp đang “thoi thóp”, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động giảm, còn số tạm ngừng giải thể tăng.

“Doanh nghiệp nội địa đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản và thâu tóm”, ông Thắng cảnh báo, đồng thời ví dụ, các tập đoàn lớn của Thái Lan hiện sở hữu nhiều doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực, từ sản xuất tới bán lẻ của Việt Nam và thu hàng tỷ đô la cổ tức. Điều này khiến nền sản xuất vốn đã ốm yếu càng trở nên rất mong manh. Theo ông, Chính phủ cần thấy rõ để tháo gỡ ngay điểm nghẽn, bởi doanh nghiệp là xương sống nền kinh tế.

ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng linh hoạt hơn, giao tổng room tín dụng từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng. Tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc bị siết lại một cách đột ngột, khiến doanh nghiệp vỡ kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

“Các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn”, ĐB nói.

MỚI - NÓNG