Phụ nữ Triều Tiên thay chồng kiếm tiền

Phụ nữ Triều Tiên bươn trải kiếm tiền trong một khu chợ ở thành phố Razon.
Phụ nữ Triều Tiên bươn trải kiếm tiền trong một khu chợ ở thành phố Razon.
TP - CHDCND Triều Tiên là xã hội nam quyền, ưu tiên quân sự, nhưng phụ nữ mới là những người kiếm tiền chính khi đất nước bí ẩn nhất thế giới này cho phép nền kinh tế thị trường phi chính thức phát triển.

Phụ nữ kiếm hơn 70% thu nhập của các gia đình Triều Tiên; phần lớn buôn bán trong các khu chợ không chính thức nhưng phát triển nở rộ những năm gần đây, Reuters vừa dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Thống nhất Triều Tiên thuộc chính phủ Hàn Quốc.

Các chuyên gia nói rằng, đàn ông Triều Tiên đều phải làm những công việc nhà nước được trả lương ít ỏi hoặc phục vụ trong quân đội. “Người Triều Tiên chúng tôi thường nói rằng, đàn ông chiến đấu trên mặt trận lý tưởng, còn phụ nữ chiến đấu trên mặt trận cuộc sống”, Reuters dẫn lời cô gái 26 tuổi họ Jung chạy sang Hàn Quốc năm 2012 và thường gửi tiền về Triều Tiên để giúp đỡ mẹ làm nghề nuôi lợn và bán rượu ngô.

Nền kinh tế tập trung của Triều Tiên được đánh giá là vẫn chưa phục hồi từ khi Liên Xô sụp đổ, nghĩa là nguồn trợ cấp kinh tế và quân sự chính của Bình Nhưỡng suốt thời Chiến tranh Lạnh không còn nữa. Theo kết quả nghiên cứu, tình hình còn tồi tệ hơn sau trận đói lịch sử vào những năm 1990 khiến trên dưới 1 triệu người chết đói; từ đó phụ nữ bắt đầu bán dây đồng phế liệu, đi kiếm nấm về nuôi sống gia đình.

Ngày càng nhiều người Triều Tiên tham gia nền kinh tế không chính thức để duy trì gia đình, và phụ nữ đang đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế ấy. Trong khi đó, đàn ông vẫn thống trị chính phủ và quân đội của đất nước 24,5 triệu dân. Chỉ rất ít phụ nữ có mặt trong tầng lớp cấp cao, như cô Kim Yo-jong -  em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, như bà Kim Kyong-hui, em của cố Chủ tịch Kim Jong-Il.

Nền kinh tế thị trường phi chính thức dù không hợp pháp nhưng được chấp nhận rộng rãi, thậm chí có sự tham gia của nhiều quan chức. Một số người tị nạn và chuyên gia về Triều Tiên nói rằng, những người buôn bán có quầy hàng ở khoảng 400 khu chợ mọc lên như nấm khắp cả nước vẫn nộp thuế. Nhưng những người buôn bán độc lập này không kiếm được bao nhiêu.

Một cuộc khảo sát trên 60 phụ nữ đi khỏi Triều Tiên năm 2011 và 2012 (do một tổ chức về nhân quyền thực hiện) cho thấy những người buôn bán ở Triều Tiên kiếm được 50.000-150.000 won Triều Tiên mỗi tháng, tương đương 6 - 18 USD theo tỷ giá thị trường chợ đen nước này. Những người làm cho nhà nước được trả lương 2.000-6.000 won/tháng, trong khi giá 1kg gạo tại thành phố Hyesan là 8.490 won, theo số liệu của trang tin chuyên về Triều Tiên Daily NK có trụ sở ở Seoul. Tuy nhiên, những số liệu này không thể kiểm chứng vì Triều Tiên không công bố số liệu thống kê kinh tế và phần lớn người Triều Tiên làm công việc phi chính thức.

Theo các chuyên gia, vì phụ nữ đang nắm quyền kinh tế, nên ngày càng nhiều người muốn ly dị. Khảo sát trên 103 người rời khỏi Triều Tiên do tổ chức KBA thực hiện cho thấy lý do chủ yếu là vấn đề tài chính. Những năm gần đây, hầu hết những người đi khỏi Triều Tiên là phụ nữ. Không bị bó buộc ở nơi làm việc, họ hành động dễ dàng hơn.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.