Luật Ưu sinh quốc gia được ban hành vào năm 1948 với việc áp dụng hình thức triệt sản đối với tội phạm có “thiên hướng gene phạm tội”, người mắc bệnh di truyền nghiêm trọng, bệnh về thần kinh như tâm thần phân liệt, động kinh… Từ khoảng năm 1948 đến 1996, có khoảng 25.000 phụ nữ Nhật bị triệt sản theo luật này, trong đó có 16.500 người không đồng ý nhưng vẫn bị triệt sản.
Bà Yumi Sato bị ép triệt sản năm 1972 khi mới 15 tuổi. Em dâu của bà Sato cho kể: “Khi chị ấy 22-23 tuổi cũng có vài đám đến dạm hỏi cưới, nhưng khi chị ấy nói rằng không thể sinh con thì những người đến cầu hôn đều bỏ về”. Gần đây, bà Sato quyết định đâm đơn kiện để tìm kiếm sự bồi thường từ chính phủ Nhật Bản. Bà cho rằng, luật ưu sinh đã vi phạm hiến pháp hậu chiến của Nhật Bản vì xâm phạm quyền được mưu cầu hạnh phúc của con người. Đây là vụ kiện đầu tiên về vấn đề này tại Nhật Bản và các nạn nhân khác hy vọng nó sẽ dọn đường cho việc chính phủ xin lỗi trước công chúng.
Theo các hồ sơ chính thức, bà Sato bị triệt sản do được chẩn đoán “não có vấn đề về di truyền”. Tuy nhiên, gia đình bà cho rằng, não của bà bị tổn thương là do bị cho uống nhiều thuốc gây mê khi phẫu thuật hở hàm ếch hồi bé, chứ không phải do di truyền. Sau này, bà Sato về sống với gia đình người em trai hơn 40 năm, chăm bẵm các cháu.
Tại phiên tòa đầu tiên tại thành phố Sendai ngày 28/3, đại diện chính quyền cho rằng, vụ kiện nên dừng lại để chính quyền tổ chức tranh luận vào thời điểm thích hợp. Tháng trước, Kyodo News đưa tin, chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch làm việc với các chính quyền địa phương về vấn đề này nhằm dọn đường cho việc bồi thường trong tương lai.
Năm 2001, Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Junichiro Koizumi xin lỗi trước công luận về việc đối xử sai lầm với các bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ khiến họ bị xa lánh và phải sống ở những đảo xa, có trường hợp bị buộc triệt sản.