“Tôi từng xem một đoạn phim và bị sốc hoàn toàn, đó là đoạn phim ghi lại cảnh hiếp dâm mà không hề che đậy”, chị Sunitha Krishnan, người sáng lập quỹ chống lạm dụng tình dục Prajwala, kể lại ấn tượng lần đầu tiên xem đoạn phim hiếp dâm đăng trên ứng dụng WhatsApp hồi tháng 2.
“Tôi thấy buồn nôn và không thể tiếp tục xem. Đó là cảnh một bé gái bị 5 kẻ cưỡng hiếp tập thể. Điều tôi thấy sốc là những kẻ này biết là đang có máy quay. Họ còn cười cợt và tỏ vẻ hả hê”, chị Krishnan nói tiếp.
Chính những kẻ cưỡng hiếp trong đoạn phim nói trên dàn dựng “bối cảnh” và không ngại ngùng lộ mặt trong đoạn phim mà tự chúng tung lên mạng thông qua các ứng dụng xã hội như WhatsApp. Bản thân từng bị cưỡng hiếp tập thể lúc 15 tuổi, chị Krishnan nay trở thành người đấu tranh vì nữ quyền và cũng là một trong nhiều phụ nữ Ấn Độ đang thực hiện chiến dịch dùng internet để bày tỏ thái độ phản kháng của nhiều người về bạo lực đối với phụ nữ.
Trên mạng, người dân Ấn Độ tranh luận sôi nổi về vấn nạn hiếp dâm, đặc biệt sau vụ cưỡng hiếp tập thể và giết hại nữ sinh Jyoti Singh đi trên xe buýt ở Delhi năm 2012. Nhưng điều mà chị Krishnan làm với đoạn phim nói trên đã đưa phong trào đấu tranh vì nữ quyền sang phạm trù mới và gây tranh cãi. Chị Krishnan quyết định biên tập đoạn phim, che mặt các nạn nhân rồi đưa lên YouTube.
“Tôi còn chụp ảnh những kẻ hiếp dâm trong đoạn phim để đưa lên mạng nhằm phơi bày chúng cho cả thế giới biết”, chị Krishnan nói với BBC. Người phụ nữ này đã đưa nhiều đoạn phim như vậy lên mạng xã hội, và chị cũng nhận được thêm nhiều video từ những người ủng hộ chị.
Cách làm của chị Krishnan chắc chắn gây được nhiều chú ý, nhưng cũng gây tranh cãi khi công bố ảnh của những đối tượng trước khi họ trải qua quá trình tố tụng. Khi được hỏi về điều này, chị Krishnan cho rằng, những kẻ hiếp dâm sử dụng phương tiện này để làm nhục người nào đó và thể hiện chúng không sợ bị trừng phạt. “Vậy tại sao tôi phải nhạy cảm với những nhu cầu của chúng?”, chị nói. Sau khi đăng các đoạn phim lên mạng, chị Krishnan cho biết chị đã giao cho Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ. Đến nay, đã có 3 đối tượng bị bắt.
Các nhà hoạt động đấu tranh vì nữ quyền còn quan tâm đến ý kiến của nạn nhân. Trong các video, những người bị cưỡng hiếp được che mặt trong các video và danh tính được giấu, nhưng không có nghĩa là họ được hỏi ý kiến trước khi đoạn phim được đăng tải lại. Việc chiến dịch đấu tranh trên internet lan rộng và việc các phương tiện truyền thông chấp nhận đề cập vấn đề này rõ ràng đã tạo ra thay đổi lớn từ năm 2012.
“Đã có một sự thay đổi lớn”, chị Jasmeen Patheja, thành viên nhóm nữ quyền Blank Noise, nói về các chương trình trên truyền hình, phim và clip quảng cáo. Chị Patheja cho rằng, các chiến dịch như “Những kẻ cưỡng hiếp đáng xấu hổ” dù hơi cực đoan, nhưng cũng là một phần trong sự thay đổi đó.