Trong thư, nhóm chuyên gia giáo dục thuộc Hội đồng khu vực Central Bedfordshire (Anh) cho biết tình trạng bắt chước bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng - “Trò chơi con mực” (“Squid Game”) - đang xảy ra ngày càng phổ biến ở các trường học địa phương.
Nhiều trẻ em dù không trực tiếp xem phim, nhưng vẫn biết đến các trò chơi và hình phạt bạo lực trong phim thông qua các trang chia sẻ video như Youtube và TikTok.
Nếu như trong phim, người thua cuộc bị xử bắn, thì ở ngoài đời, các học sinh sẽ sử dụng bạo lực thể chất để “trừng phạt lẫn nhau".
Ngoài ra, việc tự nấu loại kẹo đường truyền thống của Hàn Quốc để chơi giống phim có thể khiến trẻ em bị bỏng.
“Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo trẻ em không nên xem 'Trò chơi con mực' vì bộ phim có nhiều nội dung bạo lực”, bức thư viết.
Việc tự nấu loại kẹo đường Dalgona giống trong phim có thể khiến trẻ em bị bỏng. Ảnh: Netflix |
Trong phim, người chơi nếu thua sẽ bị lính canh (mặc áo hồng) bắn tử vong tại chỗ. Ảnh: Marie Claire |
Gareth Nichols - đại diện trường tiểu học Sir Francis Hill ở Lincoln cho biết “một nhóm nhỏ học sinh trong trường, khoảng 6 tuổi, đã thảo luận về việc diễn lại một số cảnh trong phim”. Giáo viên đã lập tức liên hệ với phụ huynh để cảnh báo.
“Các phụ huynh cũng nên kiểm tra thiết bị điện tử trong nhà vì có thể các con đang xem bộ phim này mà cha mẹ không biết”, ông Nichols nói thêm.
Trước đó vài ngày, một trường học ở Bỉ đã đưa ra cảnh báo tương tự sau khi phát hiện các học sinh có hành vi bạo lực do ảnh hưởng từ bộ phim.
Trong thông báo, nhà trường kêu gọi các phụ huynh cảnh giác để “ngăn chặn những trò chơi không lành mạnh và nguy hiểm”, đồng thời “giúp con em mình nhận thức được hậu quả của việc truy đuổi và trừng phạt”.
"Trò chơi con mực" là bộ phim dài tập kể về câu chuyện 456 người tham gia hàng loạt trò chơi của trẻ em để giành phần thưởng 45,6 tỷ won.