Nhiều người Hàn Quốc cảm thấy như đang sống trong ‘Trò chơi con mực’ ngoài đời

0:00 / 0:00
0:00
Nhân vật Gi-hun trong phim Trò chơi con mực
Nhân vật Gi-hun trong phim Trò chơi con mực
TPO - Trò chơi con mực (Squid Game), bộ phim Hàn Quốc đang giữ vị trí số một trên nền tảng Netflix và thống trị các cuộc bàn luận trên mạng xã hội, được coi là một phép ẩn dụ lớn cho cuộc sống ở quốc gia Đông Á và phơi bày những thực tế dữ dội mà người dân xứ kim chi phải đối mặt.

“Tôi đã chơi Trò chơi con mực suốt 30 năm”, một cư dân mạng Hàn Quốc bình luận.

Bộ phim dài 8 tập kể câu chuyện về 456 người tham gia hàng loạt trò chơi của trẻ em để giành phần thưởng 45,6 tỷ won.

Nhân vật chính Gi-hun là một người đàn ông đang vật lộn với cuộc sống. Sau khi mất việc trong một xưởng sản xuất ô tô – gợi nhớ lại sự kiện hãng xe hơi Ssangyong Motor sa thải 2.600 công nhân năm 2009 – quyết định mở một cửa hàng bán gà rán, nhưng kết quả là phải gánh khoản nợ hơn 400 triệu won.

Gi-hun tham gia Trò chơi con mực để có tiền trả chi phí phẫu thuật cho mẹ và giành quyền nuôi con gái từ vợ cũ.

Hwang Dong-hyuk, biên kịch kiêm đạo diễn phim, nói rằng bất kỳ ai trong xã hội tư bản đều có thể rơi xuống đáy như Gi-hun. “COVID-19 đã đẩy nhiều người vào cảnh phải tự tạo việc làm. Tôi muốn ghi lại điều đó trong các nhân vật tham gia trò chơi”, Hwang nói.

Là quê hương của những tập đoàn lớn như Samsung, SK và Hyundai, Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới từ năm 2020 nhờ xuất khẩu các loại chip, điện thoại thông minh và hàng điện tử tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhiều người cũng đang sống trong cảnh giá đất tăng vọt, nợ mua nhà quá nặng, khoảng cách thu nhập ngày càng lớn và tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao. Tất cả các vấn đề đều trở nên trầm trọng hơn khi đại dịch xảy ra.

Nợ mua nhà ở Hàn Quốc tăng kỷ lục lên 1.805 nghìn tỷ won trong tháng 6, gần gấp đôi cách đây 10 năm. Nguyên nhân của tình trạng này là nhiều người vội vã mua nhà mới vì sợ giá sẽ tăng vọt, dù chính phủ triển khai nhiều biện pháp hạ nhiệt.

Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng tăng. Số liệu thống kê chính thức cho thấy tài sản ròng của 20% người dân thuộc nhóm thu nhập cao nhất cao gấp 166 lần nhóm 20% thu nhập thấp nhất. Khoảng cách này tăng 105 lần so với năm 2018.

Chỉ số Gini (chỉ số đo bất bình đẳng thu nhập theo thang từ 0 đến 1) của Hàn Quốc tăng lên 0,602 trong năm 2020, mức cao nhất so với 7 năm trước đó. Chỉ số càng tiệm cận 1 nghĩa là bất bình đẳng thu nhập càng cao.

Tài sản của nhóm siêu giàu càng tăng lên khi các tập đoàn thuộc sở hữu gia đình làm ăn phát đạt bất chấp COVID-19, nhưng những doanh nghiệp nhỏ và quy mô gia đình, như hàng ăn và cửa hàng tiện lợi, chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.

Nhiều người nói rằng họ thấy cuộc đời của họ không khác gì nhân vật Gi-hun.

Trên diễn đàn của những người tự kinh doanh, một người viết rằng anh cảm thấy như đang sống trong trò chơi, ngoại trừ việc “không có khoản tiền thưởng nào dù tôi thắng”.

Một chủ nhà hàng tiết lộ: “Nhiều người, trong đó có tôi, đang vật lộn với khoản nợ 200 triệu won, giống như trong phim”.

Nhà phê bình văn hóa Jung Duk-hyun nói với báo Korea Herald rằng bộ phim Trò chơi con mực “là phép ẩn dụ lớn cho xã hội cạnh tranh cao của Hàn Quốc” và “mang lại cái nhìn sâu sắc về thực tế khắc nghiệt của chúng ta”.

Bác sĩ tâm thần Lee Il-joon nói rằng bộ phim khám phá liệu con người có được trao cơ hội bình đẳng trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt hay không, và liệu họ có thể đạt được kết quả dựa trên khả năng của họ mà không phải hy sinh người khác hay ăn gian hay không.

“Chúng ta học về sự công bằng và cơ hội bình đẳng trong sách giáo khoa, nhưng trong thực tế, nỗ lực không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả”, bác sĩ Lee nói với trang tin Newsis.

Trò chơi con mực bắt đầu được phát trên Netflix từ ngày 17/9 và nhanh chóng trở thành phim được nhiều người xem nhất.

Người lớn chơi trò chơi mà trẻ em thích, nhưng phải chịu hậu quả chết người nên đã tạo thành cốt truyện thú vị, Choi Han-na, 26 tuổi, một người làm việc tự do, nhận xét.

“Chúng ta cạnh tranh công bằng khi chơi trò chơi hồi còn nhỏ, nhưng giờ chúng ta đã trưởng thành, đều phải sống cuộc sống bất bình đẳng trong những môi trường khác nhau. Vì thế, tôi nghĩ những người chán ngán với tình trạng bất bình đẳng đều thích bộ phim”, Choi nói với báo The Sunday Times.

Theo ST
MỚI - NÓNG