Vụ chìm tàu ở Đà Nẵng:

Phòng ngừa khủng hoảng tâm lý cho trẻ

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TPO - Trẻ em là đối tượng dễ bị khủng hoảng khi chứng kiến hoặc trải nghiệm những sự kiện kinh hoàng nào đó. Trong vụ tai nạn chìm tàu trên sông Hàn xảy ra đêm 4/6 tại Đà Nẵng, có ít nhất 9 trẻ nhập viện trong tình trạng hoảng loạn.

Theo các chuyên gia, cần phòng ngừa khủng hoảng tâm lý cho trẻ, dạy trẻ ứng phó hiệu quả, đừng chờ đến khi xảy ra mới thực hiện.

Ngày 9/6, trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn - Phụ trách phòng khám tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM - cho biết, khủng hoảng tâm lý là trạng thái hoảng loạn, mất thăng bằng cảm xúc và lý trí khi một người phải đối diện hoặc trải nghiệm với những sự kiện bất ngờ, khủng khiếp… Nó gây cho họ cảm giác mất an toàn nghiêm trọng hoặc cảm giác bị đe dọa, mất mát về tính mạng, tài sản, tình cảm, nhân cách, sự tôn trọng và vai trò, vị trí xã hội.

“Cần nhấn mạnh, khủng hoảng tâm lý không phải là bệnh, mà chỉ là một trạng thái tâm lý có khởi đầu từ một sự kiện gây ra, diễn biến và kết thúc. Diễn biến tâm lý, quá trình phục hồi sau khủng hoảng tùy thuộc vào cảm nhận của người đó về tính nghiêm trọng, khủng khiếp của sự kiện và khả năng thích ứng, chống chọi để vượt qua thử thách với sự trợ giúp của gia đình và xã hội”, bác sĩ Mẫn nói.

Đối với trẻ em, việc quan sát, nhận biết sớm, đánh giá những “dấu hiệu bất thường” của trẻ sau khi trải qua biến cố khủng khiếp là tối cần thiết nhằm có kế hoạch can thiệp thích hợp giúp trẻ sớm vượt qua khủng hoảng, hòa nhập với cuộc sống, tránh hậu quả lâu dài vì tổn thương tâm lý.

Nếu được phát hiện và xử trí thích hợp, tích cực, hiệu quả từ gia đình, nhà trường, xã hội, các tổ chức xã hội chuyên nghiệp và chuyên gia tâm lý sẽ giúp trẻ sớm cải thiện tình trạng bất ổn. Ngược lại, nếu không được quan tâm đúng mức, ký ức khủng hoảng từ tiềm thức cứ “bơm” vào nhận thức của trẻ, đẩy trẻ rơi vào trạng thái tổn thương tâm lý nặng nề, ảnh hưởng đến việc học tập và hình thành nhân cách, cũng như chất lượng sống của trẻ sau này.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Mẫn, đừng chờ đến khi xảy ra biến cố mới xử trí khủng hoảng, điều quan trọng là phải dạy trẻ ứng phó hiệu quả và phòng ngừa khủng hoảng tâm lý cho trẻ. Ở các nước phát triển, những kỹ năng này được dạy và chuẩn bị rất tốt, giúp trẻ tự tin thoát hiểm, bình tĩnh đối phó với tình huống xấu và vượt qua khủng hoảng, trưởng thành hơn. 

Cha mẹ, nhà trường, xã hội nên quan tâm huấn luyện, chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi gặp sự cố, như tập bơi, phòng tránh cháy nổ, biết cách thoát thân khỏi đám cháy, trú ẩn an toàn khi gặp động đất, sạt lở đất đá, tránh những cái chết thương tâm vì thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng. Trẻ còn có thể tham gia các lớp huấn luyện kỹ năng sống, hướng đạo sinh, rèn luyện năng lực thoát thân, sống sót, an toàn khi gặp nguy hiểm.

Ngoài ra, dạy trẻ cách đề phòng, nhận diện nguy hiểm để tránh. Thực hiện tốt các quy định an toàn, như mang phao khi ngồi tàu trên sông biển, thắt dây an toàn khi lên xe hơi, máy bay… Khuyến khích trẻ rèn luyện, sử dụng kỹ năng giao tiếp, suy nghĩ và cảm xúc một cách hiệu quả, có thể diễn đạt và thể hiện bản thân một cách lành mạnh. Cần trang bị cho trẻ lối tư duy tích cực, lạc quan, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn…

MỚI - NÓNG