Tuyên bố nêu rõ: “Chùm ca bệnh dị tật đầu nhỏ và các bệnh lý thần kinh khác được ghi nhận gần đây tại Brazil, tiếp sau một chùm ca bệnh tương tự ở Polynesia thuộc Pháp vào năm 2014, tạo thành một Tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Sự phối hợp quốc tế trong ứng phó là hết sức cần thiết nhằm tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm virus, các dị tật bẩm sinh và các biến chứng thần kinh, tăng cường sự kiểm soát các quần thể muỗi và thúc đẩy việc phát triển các xét nghiệm chẩn đoán và vắc-xin để bảo vệ người dân có nguy cơ, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai. Ủy ban nhận thấy không có cơ sở về y tế công cộng cho việc khuyến cáo hạn chế về du lịch hoặc thương mại để ngăn chặn sự lây lan của virus Zika”.
Để đánh giá mức độ đe dọa, 18 chuyên gia và cố vấn của WHO đã xem xét cụ thể sự tương quan mạnh, về mặt thời gian và không gian, giữa nhiễm virus Zika và sự gia tăng các trường hợp dị tật bẩm sinh và các biến chứng thần kinh được phát hiện. Các chuyên gia đồng ý rằng mối quan hệ nhân quả giữa nhiễm virus Zika trong thai kỳ và dị tật đầu nhỏ là hết sức đáng ngờ, mặc dù chưa được khoa học chứng minh. Tất cả đều đồng ý sự cấp thiết trong việc điều phối các nỗ lực quốc tế để tiến hành điều tra và tìm hiểu rõ hơn về mối tương quan này.
Các chuyên gia cũng xem xét các hình thức lây truyền gần đây và sự phân bố địa lý rộng lớn của các loài muỗi có thể truyền virus. Việc chưa có vắc-xin cũng như các xét nghiệm chẩn đoán nhanh, tin cậy cũng như thiếu miễn dịch trong cộng đồng ở các nước mới bị ảnh hưởng được cũng là những lý do gây quan ngại.
Theo WHO, hiện tại các biện pháp bảo vệ quan trọng nhất là sự kiểm soát quần thể muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt cho những người có nguy cơ, đặc biệt là phụ nữ mang thai.