Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, phương pháp này gọi là Công nghệ triệt sản côn trùng (SIT).
SIT có thể giúp giải quyết dịch Zika gây bệnh đầu nhỏ đang hoành hành ở châu Mỹ mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Theo RT, các chuyên gia của IAEA dự kiến sẽ gặp giới chức Brazil để thảo luận về vấn đề này vào ngày 16/2 sắp tới.
Mexico, Guatemala và El Salvador cũng đang yêu cầu IAEA hợp tác sử dụng công nghệ trên.
Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc IAEA, ông Aldo Malavasi cho biết, đây chỉ là một trong các phương pháp diệt muỗi đang được thảo luận.
Phương pháp SIT sẽ phơi nhiễm muỗi đực với bức xạ hạt nhân trong phòng thí nghiệm để diệt tinh trùng sau đó thả chúng về tự nhiên. Trứng của muỗi cái giao phối với muỗi đã triệt sản sẽ không bao giờ nở khiến quần thể loài côn trùng này giảm đáng kể.
“Đây là kế hoạch gia đình cho côn trùng”, ông Jorge Hendrichs, người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát Côn trùng Gây hại tại IAEA cho biết.
SIT từng được thử nghiệm tại một số nước trên thế giới. Theo ông Konstantinos Bourtzis thuộc phòng thí nghiệm kiểm soát côn trùng gây hại của IAEA, tại Ý, phương pháp này giúp giảm đến 80% muỗi trong vài tháng.
Virus Zika lây truyền qua muỗi gây nên dị tật bẩm sinh đầu nhỏ ở trẻ em tại hơn 20 quốc gia Mỹ Latinh. Chỉ tính riêng ở Brazil, đã có tới 4.000 trường hợp trẻ sinh ra mắc dị tật này. Hôm 1/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với Zika nhằm ưu tiên hợp tác nghiên cứu quốc tế nhanh chóng đẩy lùi dịch này.