Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Vay để làm ăn, không phải chi tiêu

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trong bối cảnh hiện nay việc đi vay là cần thiết vì mục tiêu phát triển đất nước chứ không phải để chi tiêu. Ảnh: Một góc TPHCM đang trên đà phát triển. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trong bối cảnh hiện nay việc đi vay là cần thiết vì mục tiêu phát triển đất nước chứ không phải để chi tiêu. Ảnh: Một góc TPHCM đang trên đà phát triển. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - “Con số nợ công cao hay thấp không quan trọng bằng việc vay về làm gì và làm gì để trả được nợ. Kể cả khi vay thấp mà sử dụng không hiệu quả, không trả được nợ thì vẫn vỡ nợ như thường. Do vậy điều quan trọng là phải quản lý chặt chẽ đầu ra dùng vào việc gì”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chia sẻ với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội xoay quanh việc phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỷ đô la và việc thu chi nguồn ngân sách hiện nay.

Vì sao kinh tế tăng trưởng nhưng lại hụt thu?

Về việc nền kinh tế tăng trưởng nhưng nguồn thu ngân sách lại giảm, Phó Thủ tướng cho biết: Về thuế, chúng ta đã có lộ trình nhưng trong điều kiện các doanh nghiệp gặp khó khăn nên phải hạ thuế nhanh hơn. Về lâu dài nó sẽ tác động vào kinh tế, nhưng để tăng thu thì phải có độ trễ, không thể tăng ngay được, nhanh cũng phải hàng năm, có khi vài năm, thậm chí 5 năm mới ra sản phẩm, lúc đó ngân sách mới có thu. Chính sách này về lâu dài thì tốt, nhưng trước mắt sẽ khó khăn.

Thứ hai, vừa qua giá dầu hạ rất thấp, dự toán khoảng 100 USD/thùng nhưng trên thực tế ngay từ đầu năm đã xuống thấp, bình quân chung như trong báo cáo nói chỉ đạt trên 50 USD/thùng. Toàn bộ nguồn thu trực tiếp từ dầu thô là của ngân sách trung ương. 

Dầu thô bán trong nước đều theo giá quốc tế, thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng theo giá thị trường nên cũng thấp theo. Mà thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu liên quan đến dầu thô, giá thấp thì thu thuế trên giá đó cũng thấp. Riêng liên quan đến dầu thô, ngân sách đã bị giảm tới 63 nghìn tỷ đồng.

Xét về tổng thể, thu ngân sách tăng nhưng phần ngân sách nội địa tăng chủ yếu nằm ở địa phương, phần từ trung ương hụt. Cũng giống như Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh nói là phần ngân sách trung ương được phân bổ thấp. Luật Ngân sách khuyến khích địa phương tăng thu thì được để lại địa phương. 

“Giống như việc chúng ta xây nhà, không phải có đủ tiền mới xây, có khi cũng phải đi vay, sau đó tập trung làm ăn để trả nợ. Nếu không vay thì không làm gì cả, không đầu tư, không tăng trưởng thì nhàn lắm. Nhưng vì mục tiêu phát triển mà phải tính toán, cân đối chứ không phải vay về để đầu tư bừa bãi”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã phải yêu cầu các địa phương sử dụng nguồn tăng thu đó để trang trải đầu tư của địa phương mình, trong đó có cả thanh toán nợ xây dựng cơ bản, để trung ương không phải chuyển ngân sách về nữa. Việc cân đối ngân sách thực ra là bù trừ chứ không phải đảo lộn. Chính phủ cũng có sự chủ động trong điều hành. Chẳng hạn như mức dự phòng của trung ương và địa phương, Chính phủ yêu cầu địa phương trước mắt sử dụng 50%, cuối năm mà thu khá lên thì dùng tiếp. Nếu hụt thu thì bớt chi đi và chỉ chi những gì thực sự cần thiết.

Phó Thủ tướng cho rằng, cơ cấu ngân sách của chúng ta đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực: Thu trong nước là chủ yếu, thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu đã giảm rất nhiều. “Nếu trước đây giá dầu biến động, nguồn thu từ dầu giảm sẽ rất gay go. Bây giờ thu trong nước đã tăng tổng thể, bù được cho cả thu ngoài nước”, ông Ninh nói.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Vay để làm ăn, không phải chi tiêu ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ảnh: ĐT.

“Không phải có đủ tiền mới xây nhà”

Chia sẻ về việc phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỷ đô và tình hình nợ công, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, muốn giảm nợ công thì chỉ có không đi vay. Nhưng trong điều kiện của chúng ta, phải dựa cả nội lực và ngoại lực để phát triển, vay về để làm ăn chứ không phải chi tiêu thường xuyên. “Luật Ngân sách đã quy định chỉ vay cho đầu tư, không vay cho chi thường xuyên. Tuy nhiên chúng ta phải tính toán một cách tổng thể, nợ công phải an toàn, an ninh tài chính quốc gia phải đảm bảo thì mình mới vay”, ông Ninh nói.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, điều quan trọng hơn là vay về làm gì để trả được nợ, còn số nợ công cao hay thấp không quan trọng bằng việc đó. “Kể cả khi vay thấp mà sử dụng không hiệu quả, đầu tư không hiệu quả, không trả được nợ thì vẫn vỡ nợ như thường. 

Do vậy điều quan trọng là phải quản lý chặt chẽ đầu ra dùng vào việc gì”, Phó Thủ tướng nói và ví dụ: “Giống như việc chúng ta xây nhà, không phải có đủ tiền mới xây, có khi cũng phải đi vay, sau đó tập trung làm ăn để trả nợ”.

Lý giải về việc vay đảo nợ, Phó Thủ tướng cho biết, luật cho phép cơ cấu lại các khoản nợ khi có lợi nhất chứ không phải vì không trả được mà phải đảo nợ. Chẳng hạn những món nợ trước đây vay cao, dù chưa đến hạn nhưng bây giờ thị trường xuống thấp thì vay về để trả món nợ cũ ấy.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.