Chiều 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ và bộ ngành đã làm việc với Ban chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9 (đặt tại Đà Nẵng) và đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống bão số 9 tại các địa phương.
Làm việc nhanh với Ban chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 (đặt tại Đà Nẵng) Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá rất cao sự chủ động sẵn sàng của các địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống bão.
“Đây là một trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm đổ bộ vào nước ta. Dù chủ động như thế nào nhưng không thể chủ quan vì thiên tai rất nhiều bất ngờ. Mục tiêu là phải bảo vệ an toàn tính mạng tài sản của người dân và của nhà nước.” Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động với phương châm "4 tại chỗ" với sự hỗ trợ của lực lượng của các bộ ngành Trung ương. Tiếp tục rà soát tàu thuyền trên các khu vực nguy hiểm đi khỏi vùng nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú. Khi về tránh trú cần chằng níu để tàu thuyền không bị va chạm, tránh trường hợp tàu cá chìm tại khu neo đậu như từng xảy ra trước đây. Sơ tán người dân ra khỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên biển, ven biển. Tập trung vào các đảo ven biển, không để bất cứ bà con nào trên lồng bè, chòi canh.
Tập trung bảo vệ dân trên đất liền, phải sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, nước ngấp sâu, chảy xiết, ở các công trình nhà ở không an toàn, đảm bảo an toàn cho các công trình nhà cửa, bệnh viện, trường học và các công trình đang xây dựng. Bảo vệ đường truyền tải điện, tập trung bảo vệ tài sản của người dân, cơ sở sản xuất nhất là Quảng Nam và Đà Nẵng có nhiều khu công nghiệp nhà hàng khách sản, cấm người dân đi ra ngoài khi bão bắt đầu ảnh hường….
Phó Thủ tướng nhắc nhở các địa phương cần chú ý bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều, nhất là đối với tỉnh Quảng Nam nhiều hồ đập.
“Hồ đập rất tốt để giữ nước, điều tiết nước, thực hiện đa mục tiêu. Hồ đập đã cải thiệt rất nhiều về lũ lụt. Nhưng hồ đập quản lý không tốt thì rất nguy hiểm. Hồ đập tốt hay không tốt là do con người. ” Phó thủ tướng nhất mạnh.
Đồng thời yêu cầu các bộ ngành và các địa phương tiếp tục cho rà soát các hồ đập nếu có sự cố khẩn trương xử lý, đặc biệt là đập đất, đê điều... Vận hành hồ chứa phải an toàn, không để nước quá sức chứa.
Các địa phương cũng cần chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão, đặc biệt là sạt lỡ rất nguy hiểm. Các địa điểm nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cần phải khẩn trương sơ tán người dân ngay lập tức.
Thủ tướng lập Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9
Để chủ động trong chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 (cơn bão rất mạnh dự kiến sẽ đố bộ trực tiếp vào khu vực Trung và Nam Trung Bộ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương tại thành phố Đà Nẵng.
Thành phần Ban Chỉ đạo tiền phương gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban.
Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 9 một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối họp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị hậu cần, bố trí trang thiết bị, phương tiện, thông tin liên lạc bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống. Ban Chỉ đạo tiền phương tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.