Phó Thủ tướng: Tránh tuyệt đối nơi tổ chức tiêm tập trung đông người, dễ lây nhiễm dịch

0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng VŨ Đức Đam chủ trì cuộc họp chiều 25/6. Ảnh: Đình Nam
Phó Thủ tướng VŨ Đức Đam chủ trì cuộc họp chiều 25/6. Ảnh: Đình Nam
TPO - Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chiều 25/6 Bộ Y tế báo cáo tình hình, tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cũng như kế hoạch phân bổ vắc xin cho các địa phương, đặc biệt tại các địa phương đang có nhiều ca mắc; đồng thời lưu ý việc tổ chức tiêm chú trọng yếu tố an toàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay tính đến 16h ngày 24/6, cả nước đã tiêm được gần 3 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó hơn 2,6 triệu người được tiêm 1 liều; hơn 157 nghìn người tiêm đủ 2 liều.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 toàn quốc nhằm tổ chức tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, tiến hành tiêm chủng an toàn với 5 tiểu ban.

Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin; xây dựng Sổ sức khỏe điện tử phục vụ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Liên quan đến vấn đề tiêm vắc xin COVID-19, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, tránh tuyệt đối tình trạng nơi tổ chức tiêm thành chỗ tập trung đông người, dễ lây nhiễm dịch bệnh; đồng thời yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện các công cụ để đảm bảo an toàn trong công tác đăng ký, tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo đã nghe lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo về việc phối hợp với Bộ Y tế, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu cho thí điểm sử dụng "hộ chiếu vắc xin" với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang).

Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, việc nghiên cứu, triển khai thực hiện trên tinh thần "tuyệt đối an toàn". Trước hết, Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, ban hành việc thí điểm cách ly tập trung 7 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ mũi vắc xin; hoàn thành các công cụ giám sát cách ly y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Đối với việc đón khách du lịch đã tiêm đủ mũi vắc xin, các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục bàn bạc, thảo luận, xem xét các phương án trên tinh thần phục vụ mục tiêu kép, phát triển kinh tế nhưng phải tuyệt đối an toàn.

Kiểm soát chặt vận tải hành khách liên tỉnh

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn rất kỹ, đánh giá nguy cơ rất cao dịch bệnh lây lan từ nơi này sang nơi khác qua hoạt động vận tải hành khách công cộng liên tỉnh.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ đã chỉ đạo, đôn đốc các cục, tổng cục chuyên ngành đường bộ, hàng không, đường sắt bám sát tình hình dịch bệnh để triển khai các giải pháp giao thông phù hợp. Hiện nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, nhiều tuyến vận tải đường bộ liên tỉnh, đường hàng không… phải cắt giảm hoặc tạm dừng hoạt động nhưng vẫn có khoảng 54% số lượng xe khách hoạt động (khoảng 462.000 xe, tương đương gần 1 triệu lái xe và phụ xe).

Đáng chú ý, việc quản lý các bến cóc, xe dù gặp nhiều khó khăn; cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát việc vận chuyển người giữa các tỉnh, đặc biệt di chuyển từ vùng dịch.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT thông cho biết, trên cả nước gần 400.000 điểm quét QR-Code để thực hiện khai báo y tế điện tử, quản lý người đi, đến.

Ngoài ra, Bộ TT&TT đã chỉ đạo xây dựng xong một số phần mềm quản lý, giám sát vận chuyển hành khách trên các phương tiện vận tải công cộng. Bộ TT&TT sẽ có ngay văn bản gửi Bộ GTVT khẩn trương hướng dẫn các nhà xe cài đặt các phần mềm này.

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, đến nay, hoạt động vận tải hàng hóa cơ bản được vận hành thông suốt với việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR-Code để kiểm tra thông tin phương tiện vận tải, người lái xe. Tuy nhiên, việc đáng lưu ý là còn tình trạng các xe bắt khách dọc đường, không thực hiện khai báo y tế. Vì vậy, Cục Cảnh sát giao thông đề nghị ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, sử dụng camera hành trình giám sát toàn bộ chuyến đi trên xe…

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương xem xét giải pháp sử dụng mã QR trên thẻ BHYT, căn cước công dân, qua phần mềm khai báo y tế như Bluzone, NCOVI được cài đặt trên điện thoại thông minh cá nhân để thực hiện quản lý hành khách trên xe.

Các địa phương rà soát lại tất cả điểm dừng, các trạm dừng chân, trạm xăng, thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật lên bản đồ antoancovid.vn, có thiết bị đọc QR-Code; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn tập huấn phòng, chống dịch, xét nghiệm sàng lọc nhân viên làm ở những nơi này. Khi dừng tại các điểm nghỉ, trạm xăng trên tuyến vận tải, lái xe và các hành khách phải thực hiện quét QR-Code. Nơi nào không thực hiện phải xử lý nghiêm.

Bộ GTVT, Bộ TT&TT và Bộ Công an tập huấn, hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra các nhà xe thực hiện cài đặt, sử dụng phần mềm quản lý, giám sát vận chuyển hành khách, chỉ những xe khách đã cài đặt phần mềm mới được hoạt động.

MỚI - NÓNG