Cẩn trọng với giấc mơ hóa “thiên nga” - Kỳ 2: Ba ngày đào tạo bác sĩ thẩm mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có một thực tế, nhiều cơ sở thẩm mỹ công khai tuyển sinh, đào tạo học viên với cam kết 3 đến 5 ngày sẽ lành nghề.

Đào tạo cấp tốc “bác sĩ” tay ngang

Ngày 25/10, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, trong quá trình kiểm tra lực lượng chức năng từng phát hiện nhiều cơ sở tổ chức đào tạo học viên thẩm mỹ. Tại cơ sở Green Skin Center (số 59 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình), lực lượng thanh tra liên ngành, gồm: Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an TPHCM đã tổ chức kiểm tra đột xuất.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang tổ chức đào tạo cho 20 người về các kỹ thuật xâm lấn gồm tiêm filler, botox và tiểu phẫu. Các học viên tham gia khóa đào tạo này cho biết họ được người thân, bạn bè từng tham gia các khóa học trước của cơ sở này giới thiệu, nhiều người đăng ký tham gia lớp do đọc được thông tin quảng cáo từ tài khoản Facebook có tên “Trung tâm căng chỉ Colagen Green”.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định, cơ sở đã tổ chức quảng cáo và tổ chức trái phép các khóa đào tạo. Để thu hút học viên, cơ sở này đưa ra cam kết: “Học tiểu phẫu cấp tốc bao ra nghề từ 3-5 ngày, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hơn 15 năm kinh nghiệm đào tạo một kèm một, bao vật tư, bao mẫu thực hành. Sau khóa học, các học viên tham gia sẽ được cấp bằng”.

Liên quan đến Viện Đào tạo Thẩm mỹ Quốc tế Nanozelle (145 Nguyễn Văn Đậu, phường 5, quận Bình Thạnh), Thanh tra Sở Y tế phát hiện các trang mạng xã hội website: nanozelle.com và trang facebook “Nanozelle Academy”, “K-Viện Đào tạo Thẩm mỹ Hàn Quốc” đăng tải nhiều nội dung quảng cáo trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và các chương trình đào tạo tiêm filler, botox; đào tạo căng chỉ thẩm mỹ và đào tạo liệu trình đẹp da. Về pháp lý, cơ sở này chỉ được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp giấy phép hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở đã ngang nhiên mở các lớp đào tạo thẩm mỹ với các kỹ thuật tiêm filler, botox và tổ chức khám bệnh, chữa bệnh trái phép trong lĩnh vực thẩm mỹ.

Cẩn trọng với giấc mơ hóa “thiên nga” - Kỳ 2: Ba ngày đào tạo bác sĩ thẩm mỹ ảnh 1
Cơ sở Green Skin Center tổ chức chiêu sinh và đào tạo thẩm mỹ trái phép cho học viên trước khi bị thanh tra
Cẩn trọng với giấc mơ hóa “thiên nga” - Kỳ 2: Ba ngày đào tạo bác sĩ thẩm mỹ ảnh 2

Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, tại cơ sở đang đào tạo cho 3 học viên nhưng không cung cấp được giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, giấy phép liên quan đến hoạt động đào tạo nghề.

Ẩn họa từ hoạt động đào tạo ồ ạt

Thông tin từ trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, gần đây nhà trường thường xuyên nhận được thông tin có trang web, fanpage mang tên “Học viện đào tạo thẩm mỹ Dr Ánh Academy” tại địa chỉ 57 Trần Thị Nghỉ, phường 7, quận Gò Vấp dùng hình ảnh của trường để quảng cáo tuyển sinh đào tạo thẩm mỹ. Những quảng cáo đều khẳng định sẽ được Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cấp chứng chỉ.

Tuy nhiên, đại diện Ban giám hiệu trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành khẳng định, nhà trường không liên kết đào tạo với cơ sở trên. Việc các cơ sở đào tạo thẩm mỹ mạo danh hình thức liên kết đào tạo là hành vi vi phạm pháp luật. Nhà trường đã có văn bản gửi đến cơ sở về việc không được sử dụng hình ảnh, thông tin, thương hiệu liên quan đến trường để quảng cáo chiêu sinh nhưng sai phạm vẫn tiếp diễn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trụ sở Cty TNHH Học viện Đào tạo Thẩm mỹ Dr. Ánh do bà Vũ Ngọc Diệp là người đại diện pháp luật. Ngành nghề chính của Cty này là đào tạo nghề cắt tóc, gội đầu, trang điểm và đào tạo nghề thẩm mỹ. Tuy nhiên, Cty này lại không có trong danh sách các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cấp phép và quản lý.

Theo BS Hồ Văn Hân, Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, gốc rễ của thẩm mỹ trái phép là đào tạo làm thẩm mỹ trái phép. Hiện có nhiều lớp dạy, đào tạo ra bác sĩ tay ngang, đặc biệt là dạy tiêm chích meso, tiêm filler trong khoảng 1 - 2 ngày hoặc 1 tuần là hành nghề. Người đứng đầu Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho rằng vì lợi nhuận, nhiều người cố ý không tuân thủ quy định, quảng cáo trái phép trên mạng xã hội, tổ chức hành nghề và đào tạo trái phép. Tuy nhiên chế tài, xử phạt chưa đủ mạnh.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ cho rằng, vấn đề đáng báo động hiện nay là tình trạng ồ ạt đào tạo bác sĩ thẩm mỹ khiến cung vượt quá cầu. “Tôi nhẩm tính 4 trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe tại khu vực phía Nam mỗi năm cho ra “lò” khoảng 200 đến 300 bác sĩ thẩm mỹ. Các trường đang đào tạo theo chỉ tiêu để kiếm tiền. Những người mới tốt nghiệp muốn nhanh chóng học được nghề, có thu nhập thì sẽ “mổ thử” trên chính người bệnh. Sau đào tạo nhưng cung vượt cầu, bác sĩ sẽ mổ chui, mổ dạo để kiếm tiền nên đây là rủi ro rất lớn”- bác sĩ Tú Dung chia sẻ.

TS Tú Dung cho biết, tại thành phố Sydney của Úc mỗi năm chỉ đào tạo 10 bác sĩ thẩm mỹ. Các quốc gia khác hầu hết đều có định mức đào tạo bác sĩ thẩm mỹ và đòi hỏi trình độ tay nghề rất cao trước khi thạo nghề. Việc đào tạo ồ ạt bác sĩ thẩm mỹ của các trường thuộc khối ngành sức khỏe tại Việt Nam như hiện nay cần phải được cân nhắc và phải lấy chất lượng của người được đào tạo làm hàng đầu.

(Còn nữa)

Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền - Cty Luật TNHH HPL & Cộng sự cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, người nào có hành vi làm bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ giả mà không được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều bị xác định là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tội danh này có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

MỚI - NÓNG