Tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại cảng Mắt Rồng, huyện Thủy Nguyên. Theo báo cáo của lãnh đạo TP. Hải Phòng, các tàu thuyền ở đây đã được neo đậu an toàn.
Làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP. Hải Phòng ngay tại trụ sở UBND huyện Thủy Nguyên, Phó Thủ tướng đánh giá cao Thành phố và huyện Thủy Nguyên đã chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ phòng chống bão.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thực hiện phòng chống bão, phải khắc phục cho được tâm lý chủ quan, từ đó dẫn đến chuẩn bị không chu đáo, bị bất ngờ khi tình huống xảy ra. Hải Phòng và các địa phương ven biển cần nhanh chóng kiểm đếm, rà soát lại để bảo đảm tuyệt đối không có phương tiện nào hoạt động trên biển, tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên các công trình cao tầng hoặc trong các lều bạt, nhà tạm.
Cùng với đó, cần kiểm tra lại công tác neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa; nhanh chóng triển khai các giải pháp gia cố, bảo vệ đê điều, hồ, đập, các công trình xung yếu, không để xảy ra tai nạn, sập, đổ đáng tiếc do mưa bão. Đối với những địa phương phải thực hiện di dân, phải được hoàn thành trước 22h hôm nay.
Các công trình thủy lợi chủ động tiêu nước đệm, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
“Thời gian không còn nhiều, đề nghị các đồng chí phải hết sức chủ động, khẩn trương; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để huy động khi cần thiết, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; phải bảo đảm an toàn tối đa cho người và tài sản của nhân dân”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cũng trong chiều 18/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác đã đến kiểm tra tuyến đê Hà Nam huyện Quảng Yên-Quảng Ninh. Dự kiến, sau khi đi kiểm tra công tác chủ động phòng chống bão tại một số khu vực xung yếu, Phó Thủ tướng sẽ có cuộc làm việc khẩn với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh ngay trong đêm nay.
* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cử đoàn công tác do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị, ứng phó với cơn bão tại các tỉnh: Thái Bình, Nam Định. Bộ Quốc phòng cử 3 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 7 trên địa bàn Quân khu 3,4. Các Bộ: Giao thông vận tải, Y tế đã có Công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ ở miền Trung và triển khai công tác ứng phó với bão số 7.
Đồng thời, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (Cục Cứu hộ-Cứu nạn) phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo TW về PCTT, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, điều chỉnh vùng nguy hiểm của cơn bão số 7. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Lạng Sơn đã có Công điện, chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương chuẩn bị các phương án ứng phó với bão số 7. Các tỉnh, Thái Bình, Nam Định quyết định cấm biển từ 17h00’ ngày 17/10; Quảng Ninh, Hải Phòng cấm biển từ 15h00’ ngày 18/10.
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và địa phương, tính đến 16h00 ngày 18/10, các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã tổ chức bắn pháo hiệu báo Bão tại các điểm theo quy định, thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 70.886 phương tiện/290.143 người; 5.895 lồng, bè, lều, chòi canh nuôi trồng thủy sản/3.595 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 7 để chủ động di chuyển phòng tránh thoát khỏi khu vực nguy hiểm:
Nhằm ứng phó với cơn bão số 7, các đơn vị Quân đội đã điều động 16.931 người trực tiếp hỗ trợ nhân dân gặt lúa, sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch, khôi phục cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống tại các khu vực lũ lụt, ngập sâu.
Trước đó, ngày 17/10, các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai các hoạt động ủng hộ bằng vật chất và tinh thần đối với bà con vùng lũ lụt miền Trung. Đến nay, đã tổ chức quyên góp, ủng hộ được 20,6 tỷ đồng. Bộ Y tế đã xuất cấp 400.000 viên thuốc Cloramin B cho 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Bộ Công Thương: đã khắc phục hoàn toàn việc cấp điện cho tỉnh Nghệ An; đối với tỉnh Hà Tĩnh: khôi phục vận hành 47/49 đường dây trung áp, 2.587/2.674 trạm biến áp.
Tính đến 17h ngày 18/10, mưa bão làm chết 35 người (Nghệ An 3; Hà Tĩnh 9; Quảng Bình 22; Huế 1). Mất tích 4 người (Hà Tĩnh 1; Quảng Bình 2, Huế 1). Bị thương 30 người. Mưa bão đã làm ngập 1.786 ngôi nhà (Quảng Bình 1.186, Hà Tĩnh 600); tốc mái, hư hỏng: 1.015 nhà (Quảng Bình 56, Quảng Trị 625, Huế 334). 1.081ha lúa bị ngập trong nước. 3.627 ha hoa màu bị ngập, hư hại.