Hà Nội vận động người dân không ăn thịt chó

'Phố thịt chó' lụi tàn

TP - Trước năm 2000, Hà Nội có những “phố thịt chó” sầm uất, lò thui chó đỏ lửa từ sáng đến khuya. Thế nhưng những năm gần đây, các “phố thịt chó” dần biến mất, do xu hướng ẩm thực của khách hàng thay đổi. Ngay cả những làng giết mổ chó ngoại thành cũng trở nên thưa thớt. Và đâu đó còn cả những câu chuyện tâm linh...
Nổi tiếng với tên gọi “phố thịt chó”, phố Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) vào thời kinh doanh phát đạt nhất có tới 30 nhà hàng san sát, lúc nào cũng tấp nập khách vào ra. Những nhà hàng thịt chó nổi tiếng như Trần Mục, Anh Tú béo, Hồ Kiểm… ngày đông khách có thể thịt tới 50 - 70 con chó. Những ngày cuối tháng (âm lịch), nơi đây lúc nào cũng mờ mịt khói, khách muốn có chỗ phải đặt trước. Đông đến nỗi, có thêm các quán Trần Mục 1, 2; Anh Tú béo 1, 2, Tú béo “xịn”, nhưng cũng không đáp ứng hết nhu cầu của thực khách.  
'Phố thịt chó' lụi tàn ảnh 1 Thu mua chó tại một lò mổ huyện Hoài Đức Ảnh: Trần Hoàng

Hết thời 

Thế nhưng vào thời điểm này, phố Nhật Tân chỉ còn lại một cửa hàng “Anh Tú Béo”. Tấm biển bạc màu vừa bị gỡ bỏ để lộ dàn đèn trơ trọi, mái tôn lụp xụp cũ nát lâu không được sửa sang phản ánh chính sự xuống cấp của nghề bán thịt chó ở phố Nhật Tân. Ông Canh (chủ cửa hàng thịt chó Anh Tú Béo) nhớ lại, khi mới mở, cửa hàng là nơi đầu tiên bán thịt chó trên phố. Nhờ bí quyết làm các món “chuẩn”, sạch sẽ nên nổi tiếng, dân có nhà quanh khu vực cũng mở theo, dần dần thành phố thịt chó. Theo ông Canh, phố Nhật Tân không bán thịt chó nữa vì đến nay có nhiều cửa hàng trong trung tâm mở ra, cạnh tranh nhiều. Ngoài ra, phố “mất khách” nhất là thời điểm năm 2000, khi đường được mở rộng đẩy đê vào trong, khiến đi lại khó khăn, mất bãi đỗ xe, bất tiện. “Rồi mỗi người bỏ việc theo nghề khác nhau, tôi thì có mỗi nghề này nên vẫn bám trụ”, ông Canh bảo.

Bà Minh (một người dân Nhật Tân) cho biết, có nhiều lời đồn đoán tâm linh xung quanh việc cả dãy phố thịt chó bỗng dưng biến mất sau khi con trai một chủ quán bị chết vì chó cắn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính “giết” thịt chó Nhật Tân bởi năm 2000, báo chí liên tục đăng tải về khuẩn tả trong thịt chó gây tiêu chảy cấp. Từ đó, người dân cũng sợ dần món thịt chó. Mấy năm sau, có đợt sốt đất, dân bỏ bán quán chuyển sang bán nhà, buôn bất động sản cũng nhiều. “Đến giờ thì gần như không còn bóng dáng phố thịt chó nữa, thậm chí bên cạnh cửa hàng thịt chó Anh Tú đang sắp mở một bệnh viện chăm sóc chó mèo!”, bà Minh nói.

'Phố thịt chó' lụi tàn ảnh 2 Quầy thịt chó bán tại chợ Mai Động, Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Thưa thớt dần những “phố thịt chó”

Sau Nhật Tân, “phố thịt chó” tiếp theo phải kể đến là Tam Trinh, Lĩnh Nam (phường Mai Động, quận Hoàng Mai). Ngoài hai cửa hàng đang hoạt động, đây cũng là nơi cung cấp hàng trăm con chó mỗi ngày cho các nhà hàng, quán ăn trong khu vực trung tâm thành phố. Được một người quen dẫn qua điểm bán chó Phú Béo (Lĩnh Nam), PV Tiền Phong tiếp cận lò mổ ngay ở một quận trung tâm. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là đống rơm cao hơn 2 mét để giữa căn nhà mái tôn tạm bợ. Phía sau có khoảng hơn chục con chó trong cũi sắt và các dụng cụ như máy vặt lông, phản lọc thịt… Dưới sân vẫn còn những vệt máu đỏ lòm.

Tiếp chúng tôi, một người đàn ông tên L cho biết, ông Phú béo chủ cửa hàng bị ốm nặng mấy tháng nay, giờ công việc giao cho ông L làm. Ông này cũng từ chối việc chụp ảnh cửa hàng vì cho rằng “giết chóc có gì hay ho mà chụp”. Ông L tâm sự thêm, quán ông nổi tiếng món chó “dé”, trước đây mỗi ngày làm cả chục con, giao hàng không xuể. Thế nhưng đến thời điểm này, ngày chỉ thịt 3- 4 con, việc cũng ít hơn hẳn trước. Lý do buôn bán ế ẩm là do các cửa hàng ít nhập thịt chó hơn và quanh đây mở lò mổ cạnh tranh nhiều.

Cách đó vài chục mét là cửa hàng: Bán buôn, bán lẻ chó (số 188 Lĩnh Nam), người làm ở đây cho biết, mỗi lần nhập đều lấy cả xe tải nên nhà hàng chỉ cần đặt số lượng, bao nhiêu cũng có. Chó chủ yếu chuyển từ miền Trung ra, có đầy đủ kiểm dịch, an toàn. Được biết, giá chó thui bán cho các nhà hàng là 130 ngàn/kg. Theo nhân viên cửa hàng, trước đây khu này có đến chục cửa hàng bán thịt chó, đến thời điểm này chỉ còn 4 cửa hàng. 

Những lời đồn đại

Ở những thôn, làng ngoại thành, thịt chó vẫn là một món ăn được người dân sử dụng thường xuyên nhưng không còn là “đặc sản”. Tại thị trấn Trôi (huyện Hoài Đức), thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng, Hà Nội), nơi từng được coi là “thủ phủ thịt chó” nay đã thu gọn lại trong một vài nhà hàng. Chúng tôi gặp ông Nam - một chủ lò mổ chó đã “rửa tay gác kiếm”. Ông Nam bảo, “dân Phùng, dân Trôi”, hơn 10 năm trước có mặt ở khắp các chợ, nhà hàng trung tâm Hà Nội bán thịt chó. Thời gian đó, ông Nam thường dậy từ nửa đêm, bắt chó rồi thịt, cứ khoảng 1 tiếng là xong 1 con, gom  4 - 5 con thì chở xe máy ra chợ Âm Phủ (chợ 19/12 trước đây). Những ngày cuối tháng đông khách, chỉ cần trải tờ báo ra bày đồ, khách vào ngồi ăn một lát là sạch bách. Nhiều hôm chưa đến 12 h trưa là lấy xe máy đi về. Tuy nhiên, đến giờ chỉ còn một cửa hàng thịt chó Nhật Hiền bán tại chợ Đại Phùng, chủ yếu bán phục vụ người dân quanh thị trấn. 

Tương tự, tại xã Đông Phương Yên, xã Đông Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) - những địa danh nổi tiếng gần xa với món thịt chó cũng gói gọn lại một vài cửa hàng trên mặt đường Quốc lộ 6. Anh Sinh (chủ cửa hàng S.H) cho biết, mỗi ngày cửa hàng thịt khoảng 3 con, chủ yếu phục vụ dân cư xung quanh. Theo anh Sinh, trước đây trong làng có vài lò mổ, bán cho các cửa hàng trong thành phố. Bây giờ nhu cầu ít thì chỉ bán túc tắc. 

Ngay cả thôn Cao Hạ (xã Đức Giang, Hoài Đức) nơi được coi là lò mổ chó lớn của Hà Nội, hiện cũng chỉ còn gần chục hộ làm nghề. Ông Trịnh Văn Tuất, trưởng thôn Cao Hạ cũng không rõ nghề thịt chó từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ khi còn bé đã thấy người làng làm.

'Phố thịt chó' lụi tàn ảnh 3

Vẻ tiêu điều của quán thịt chó nổi tiếng một thời trên phố Nhật Tân. Ảnh: Trần Hoàng

Thôn Cao Hạ vốn có nghề làm nghề bún, được công nhận làng nghề truyền thống làm bún nhưng các hộ lại giàu lên nhờ mổ chó. Khoảng 30 năm trước, nghề mổ chó ở đây nhộn nhịp lắm, nửa đêm sáng trưng như ban ngày, tiếng chó kêu ăng ẳng khắp làng. Nghề giết mổ chó phất lên nhanh chóng, nhà này rồi nhà kia làm. Chó lấy từ Thanh Hóa, Nghệ An hết thì sang tận Lào, Thái Lan gom cả xe tải chở về làng. Ông Tuất bảo: “Công giết mổ 1-2 con chó bằng cả ngày làm bún, tội gì không làm”. Những nhà to nhất nhì làng đều làm nghề mổ chó như nhà ông Trịnh Văn Cải, có thời điểm mổ hàng trăm con; nhà bà T. cửa hàng thịt chó trên dốc Hàng Than (quận Ba Đình, Hà Nội)… 

Công việc hái ra tiền thế nhưng lại có rất nhiều người ở làng bỏ nghề. Ông Tuất bảo tất cả đều do các quan niệm tâm linh. Kế bên nhà ông có gia đình ông T. V.G, có cô con gái tên T. trắng trẻo xinh xắn. Một hôm, bà mẹ xỏ đòn gánh xoong nước sôi luộc chó trên bếp ra ngoài. Đòn gánh chệch vai, đổ ào toàn bộ xoong nước sôi vào cô bé 13 tuổi, không cấp cứu kịp! Nhà bà T. chồng cũng chết vì tai nạn xe máy, con đầu nghiện chết… 

Ông Hồ Xuân Đức, người trông coi đền Giang Xá (đầu làng Cao Hạ) cho biết thêm, có “chuyện lạ” ở làng thịt chó là những chủ lò giết mổ chó hầu như không ai cầm chày đập chó, cầm dao chọc tiết chó, việc này đều thuê thợ làm. Dù tin hay không tin chuyện chó “báo oán”, nhưng những người còn làm nghề thì cũng không dám trực tiếp làm công việc sát sinh đó nữa. 

MỚI - NÓNG