Ăn thịt chó: Văn minh hay văn hóa?

TP - Vũ Bằng trong “Miếng ngon Hà Nội” có bài “Thịt cầy” viết dài miên man xuýt xoa mê đắm. Mở đầu, ông nhà văn đã khôn khéo phủ đầu trước “nếu ca tụng thịt cầy mà mang tiếng là thiếu văn minh thì mình cũng đành chịu cái tiếng thiếu văn minh vậy…, Chỉ thiếu có một người, vũ trụ bao la hiu quạnh, huống chi là thiếu thịt cầy thì còn vui sống làm sao?”.

Tôi có người thân vừa đi chơi về từ Miến Điện. Kể, “chó ở bên ấy “lạ” lắm. Cứ đủng đỉnh, biếng lười. Hiền lành thân thiện. Đi lại nằm ngồi đầy đường, mỗi lần xe bấm còi bim bim thì chỉ khẽ nhích mông tránh vừa đủ bánh xe đi qua. Thế thì sướng quá! Chả sợ ai trộm cắp bắt bớ, xẻ thịt, thui nướng. “Sống chậm” được như những chú chó ấy quả là đáng mơ ước với nhiều người thời bây giờ. Tất nhiên là tương thích với không gian, cộng đồng, cách ứng xử của con người ở xứ này…

Vũ Bằng trong “Miếng ngon Hà Nội” có bài “Thịt cầy” viết dài miên man xuýt xoa mê đắm. Mở đầu, ông nhà văn đã khôn khéo phủ đầu trước “nếu ca tụng thịt cầy mà mang tiếng là thiếu văn minh thì mình cũng đành chịu cái tiếng thiếu văn minh vậy…, Chỉ thiếu có một người, vũ trụ bao la hiu quạnh, huống chi là thiếu thịt cầy thì còn vui sống làm sao?”.

Còn đây, đến cả thi hào Nguyễn Du: “Đời người ai sống đến trăm tuổi/Nên kịp thì vui chơi…/Có chó cứ ăn thịt/ Có rượu cứ uống cho hết” (Nhân sinh vô bách tải/ Hành lạc đương cập kỳ…/Hữu khuyển thả tu sát/ Hữu tửu thả tu khuynh” (Hành lạc kỳ, bài 1).

Không biết giờ còn sống, Vũ Bằng, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, cả Nguyễn Du nữa, nghĩ sao. Khi Hà Nội vừa ban hành văn bản tiến tới cấm ăn thịt chó, mèo. Tất nhiên giờ đang còn vận động kêu gọi. Nhưng đã tính lộ trình vài ba năm nữa sẽ cấm hẳn việc bán thịt chó tại các quận nội thành. Lý do vì bệnh truyền nhiễm. Vì phản cảm, v…v. Thủ đô vốn đông đảo khách quốc tế và cũng đã nhận danh xưng “Thành phố vì hòa bình”. 

Một tờ báo mạng làm ngay khảo sát, cho ra kết quả: Khoảng 57% số người được hỏi đồng ý bỏ thịt chó. Một con số khá chênh vênh. Nhiều nhà văn nhà thơ hưởng ứng, rằng bỏ. Trong khi chuyên gia xã hội học, có vị khi được hỏi, lại khẳng định: Dân mình khó bỏ thói quen ăn thịt chó! Rằng “ăn thịt chó là văn hóa chứ không phải văn minh!”.

Cùng lúc, quận Hoàn Kiếm cũng sẽ cấm dắt chó mèo vào phố đi bộ hồ Gươm. Sau cảnh tượng cơ man những chú chó lộc ngộc dữ tợn không rọ mõm lừng lững đi dạo “dưỡng sinh” quanh hồ khiến ai nấy khiếp vía. Chưa kể việc chó becgie cắn chết chủ của mình, cũng vừa xảy ra tại Hà Nội. Lại cũng vừa có vụ chó ngao cắn chết em bé 8 tháng tuổi, ở quận Ba Đình…

Tôi thì không coi việc ăn miếng thịt chó là thiếu văn minh. Nhưng cũng đã bỏ thịt chó được hơn 20 năm. Thời sinh viên mưa lạnh đói khát xứ Huế thời chưa qua bao cấp, có tí đạm trong người cũng nhờ chó. Nhưng tự nhiên đến lúc không muốn dùng nữa, thì bỏ, vậy thôi.

Kỳ thực, từ năm 1888, người Pháp tại Việt Nam đã cấm giết mổ và ăn thịt chó. Mãi tới những năm 1940, món “quốc hồn quốc túy” này mới hó hé công khai trở lại. 

Nay thì có lẽ giọt nước tràn ly rồi. Mà đôi khi sự xung đột không đến từ chó. Xung đột văn minh với văn hóa. Và xung đột của cả văn minh, văn hóa với con người. Trước xu thế đổi thay của xã hội.

Chưa biết công cuộc cấm thịt chó, trước mắt là tại nội thành thủ đô sẽ có kết quả ra sao nhưng cứ liên tưởng đến những chú chó “sống chậm” ở đất nước láng giềng đã kể ở trên. Với những chú chó ngao lộc ngộc đi tập dưỡng sinh với người bên hồ ở ta, không rọ mõm. 

MỚI - NÓNG