Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: Thiếu bản sắc

Khu phố đi bộ Trịnh Công Sơn chưa tạo được bản sắc như kỳ vọng. Ảnh: Nguyên Khánh.
Khu phố đi bộ Trịnh Công Sơn chưa tạo được bản sắc như kỳ vọng. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Ước vọng về một không gian văn hóa, ẩm thực Tây Hồ hay một không gian đi bộ thấm đẫm nhạc Trịnh chưa thể thành hiện thực, ít nhất trong tuần đầu khai trương phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

CHƯA HẤP DẪN

Gần một năm sau khi lùi thời điểm khai trương, phố đi bộ Trịnh Công Sơn và không gian văn hóa, ẩm thực Tây Hồ đón công chúng từ tối 11/5. Không gian này bắt đầu từ một phần ngõ 612 Lạc Long Quân, một phần ngõ 431 Âu Cơ kéo đến đường rặng nhãn cạnh công viên nước Hồ Tây và phố Trịnh Công Sơn. Hai tối đầu khai trương mưa tầm tã, vắng khách là điều không tránh khỏi. Tuy thế thời tiết không phải nguyên do chính khiến khu phố này trở nên tẻ nhạt.

Ẩm thực được quận Tây Hồ xem như điểm nhấn khác biệt với không gian đi bộ Hồ Gươm. Sức nóng hắt từ đường nhựa lên khiến cho không thực khách nào dám bén mảng vào đây khi trời chưa tắt nắng. “Ngay từ khi thiết kế đã dở rồi, khu vực này quá ít cây to nên ban ngày chả ai dám vào. Cây xanh đã ít lại trồng toàn liễu, xúm xít lại với nhau làm sao có bóng mát”, ông Trọng ở trong ngõ phố Trịnh Công Sơn nhận xét. Hơn chục quầy hàng gỗ dán biển hiệu với những xôi Phú Thượng, sen Tây Hồ nằm ở khu đường rặng nhãn gần chập tối mới lững thững dọn hàng. Chưa thể coi đây là khu ẩm thực, bởi quá nửa quầy hàng là đồ uống na ná như nước giải khát đóng chai, nước mía, sinh tố, nước sấu. Xôi Phú Thượng là hàng ăn duy nhất có chất Tây Hồ, không ngớt người ra vào chọn những nắm xôi gói bằng lá sen, rồi chè bưởi. Những quầy kinh doanh do BTC lập ra thực chất không khác là bao những quán cóc vỉa hè mới mọc ra ở dọc phố Trịnh Công Sơn.

Người dân ở khu phố đi bộ này quãng cuối ngày thứ hai vẫn tất tả dọn dẹp, như thể họ chưa sẵn sàng làm quen với danh xưng mới của khu phố đi bộ. Có hộ gia đình mặt tiền phố chờ tới thời điểm này mới dán vội vàng biển hiệu kem Tràng Tiền. Chỗ khác một chị thong thả tay thước tay bút kẻ vẽ thực đơn trên tấm bảng nhỏ, toàn đồ uống lặt vặt. Một vài số nhà vốn là trụ sở công ty nay cũng tăng gia bán nước, đồ ăn nhanh. Từ đầu phố Trịnh Công Sơn bước vào không xa đã nghe mùi khói thịt nướng, xúc xích rán bay ra từ một góc vỉa hè. Một vài nhà hàng quy mô nay mới ngấp nghé mọc lên, kỳ vọng trở thành tụ điểm ăn uống trong thời gian tới.

Khu vực này thực đúng còn quá sơ khai, không chỉ là chuyện ẩm thực. Sân khấu chính dựng lên khá vững chãi với chứa cả nghìn người, sẽ là nơi trình diễn nghệ thuật của đơn vị chuyên nghiệp. Đấy là phải chờ tới tối, ban ngày hầu như là không gian chết. Người dân chưa có nhiều điểm dừng chân để ngắm, chơi hay thậm chí đơn giản chụp ảnh “check-in” theo phong trào. BTC dựng mấy gian hàng hoài niệm phố cổ Hà Nội để trưng bày sản phẩm lụa, mây tre đan, sơn mài - một trong vài điểm hiếm hoi níu chân khách. Quầy đồ lưu niệm ở đây không có gì đáng kể ngoài những quầy tò he, móc chìa khóa, tinh dầu hay những đồ lưu niệm nhỏ xinh dễ dàng tìm thấy ở bất cứ gian hàng chợ đêm nào.

DẤU ẤN BAO GIỜ?

Không ít người nghe nhắc phố đi bộ Trịnh Công Sơn liền hỏi, nó khác biệt ở chỗ nào nếu không phải ẩm thực. Thực tế đi tìm hình bóng nhạc sĩ họ Trịnh ở con phố này quả là khó khăn: Một góc nhỏ người ta gọi là bích họa Trịnh Công Sơn thật nghèo nàn. Bức chân dung ông đặt ở đường cây cầu nghệ thuật ngăn cách hai hồ nước hơi lạc lõng. Một quán cà phê nhỏ cũng trưng biển cà phê Trịnh, nhưng không gian bài trí chưa hấp dẫn. Chập tối loa công suất lớn đặt cạnh hồ phát nhạc Modern Talking chứ chẳng phải một khúc nhạc Trịnh nào đó.

Nhà tổ chức chủ trương một trong ba đêm cuối tuần có nhạc Trịnh. Khu phố Trịnh thì hát nhạc Trịnh là quá đúng điệu còn gì phải bàn cãi. Chưa kể có người nghĩ xa hơn tới giá trị của khối ca từ Trịnh Công Sơn từng viết ra để “dạy làm người”. Nhà tổ chức sợ nếu làm riêng một không gian nhạc Trịnh sẽ đơn điệu, nhưng nếu cứ sao chép sân khấu nhạc của khu phố Hồ Gươm liệu có làm nên sức hấp dẫn và khác biệt? “Thực ra kỳ vọng rất nhiều, kể cả khai thác ý nghĩa lớn lao quanh tên tuổi của Trịnh Công Sơn, tuy nhiên trước mắt chúng tôi chỉ nghĩ tập trung tạo khu vui chơi, tạo sân chơi cho người dân”, ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nói. Qua tuần đầu khai trương, ông Khuyến thừa nhận có nhiều thứ cần điều chỉnh ở phố Trịnh Công Sơn.

Tuần đầu khai trương UBND quận Tây Hồ chủ trương miễn phí vé xe ở bốn bãi trông xe, hai bãi còn lại không thuộc quận nhưng được yêu cầu thu đúng quy định. Tuy nhiên nhân viên các bãi giữ xe vẫn điềm nhiên thu của khách từ 8-10 nghìn đồng/xe máy.

MỚI - NÓNG