Phó Chủ tịch Quốc hội: 'Không hợp pháp hóa các sai phạm trước đây'

TPO - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tập trung xử lý các vấn đề rất vướng mắc trong thực tiễn và “không hợp pháp hóa các sai phạm trước đây”, đảm bảo tính đồng bộ, đề phòng rủi ro về pháp lý.

Sáng nay (10/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Rộng cửa cho các dự án đầu tư công

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cho biết, lần sửa đổi này khuyến khích thực hiện phương thức đối tác công - tư (PPP) đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công.

Phó Chủ tịch Quốc hội: 'Không hợp pháp hóa các sai phạm trước đây' ảnh 1

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Việc xử lý vướng mắc các dự án BOT, BT chuyển tiếp, Chính phủ đề xuất sửa đổi theo hướng cho phép áp dụng Luật PPP trong trường hợp hợp đồng được ký kết trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành mà chưa có quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Thẩm tra về đề xuất áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc cải tạo, nâng cấp mở rộng các công trình giao thông trước đây cho thấy, một số dự án trong quá trình thực hiện đều đã lấy ý kiến, với sự đồng thuận của các cơ quan địa phương.

Tuy nhiên, khi dự án đi vào vận hành, khai thác, một bộ phận người dân không đồng tình nên không thể triển khai việc thu phí, đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý phù hợp. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung đánh giá tác động đến người sử dụng dịch vụ và có giải pháp phù hợp hơn.

Về xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xin chủ trương xử lý đối với nội dung này theo Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

“Thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị chỉ sửa đổi những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật. Những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì sẽ xem xét trong quá trình sửa đổi toàn diện Luật PPP”, ông Thanh cho hay.

Chỉ sửa đổi những vấn đề đã chín, đã rõ

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, chỉ sửa đổi, bổ sung những gì thực sự vướng mắc, cấp thiết, tránh làm phức tạp quá trình sửa 4 luật này.

Theo ông Tùng, trong lĩnh vực PPP, đề xuất luật hóa nhiều nội dung đang thực hiện thí điểm trong Luật PPP có phù hợp không? Ông Tùng đề nghị cần phải có tổng kết, đánh giá thực tiễn đang thực hiện như thế nào và cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng trong quá trình sửa đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội: 'Không hợp pháp hóa các sai phạm trước đây' ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh quan điểm, chỉ sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc mang tính tổng thể, vướng đến đâu sửa đến đó, không cầu toàn. “Nếu sửa xong rồi để lại hậu quả, không xử lý được còn khó khăn hơn”, ông Định lưu ý.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung xử lý các vấn đề rất vướng mắc trong thực tiễn và “không hợp pháp hóa các sai phạm trước đây”, đảm bảo tính đồng bộ, đề phòng rủi ro về pháp lý.

Về quy trình, thủ tục Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý chỉ tập trung một đầu mối. "Nhà đầu tư nước ngoài đến chỉ gặp một ông thôi, như thế mới nhanh được, còn cứ đi hết cơ quan này đến cơ quan kia, mỗi nơi một hồ sơ, mỗi nơi 30 đến 50 ngày thì kéo dài 2 - 3 năm là phải", ông Định cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội: 'Không hợp pháp hóa các sai phạm trước đây' ảnh 3

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, khi Quốc hội cho ý kiến về Luật Đầu tư theo phương thức PPP, các đại biểu đã chất vấn. Nhiều dự án trước đây đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhưng không thực hiện được, lại chuyển hết sang đầu tư công.

Bà Thanh cũng chỉ ra những vướng mắc lớn, như cơ chế thu lại phần vốn nhà nước, người dân chưa đồng tình với vị trí đặt trạm thu phí, có dự án BOT doanh thu sụt giảm, không có khả năng phục hồi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh trật tự...

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét sửa đổi thận trọng, chỉ sửa đổi những vấn đề đã chín, đã rõ được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao.

Liên quan đến sửa đổi Luật Đấu thầu, Chính phủ đề xuất bổ sung các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; sửa đổi quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc, nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện.

Nêu ý kiến thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và bảo đảm hiệu quả kinh tế khi đề xuất áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần và cần có ý kiến cụ thể của Bộ Y tế về nội dung này.

“Có ý kiến cho rằng, thực tế triển khai, Bộ Y tế cho rằng không có vướng mắc về đấu thầu, việc sửa quy định này chỉ thuận cho lãnh đạo quản lý, còn thiệt cho người bệnh và cơ bản không đáp ứng mục tiêu của đấu thầu; do đó đề nghị không sửa đổi quy định này”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nói.

MỚI - NÓNG
Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội
Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội
TPO - Dự án trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội lần đầu được thông qua năm 1994. Kiến trúc sư, GS.TS Hoàng Đạo Kính - người chủ trì hội đồng trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội 30 năm trước - nhận Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ông tiết lộ quá trình trùng tu công trình kiến trúc gắn liền với tên tuổi Thủ đô Hà Nội.