Dừng xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu theo phương thức PPP

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dự án cần chuyển đổi sang hình thức đầu tư công để cơ bản hoàn thành năm 2025, nhất là đoạn đi trùng với đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Hơn nữa, nếu triển khai theo phương thức PPP thì đến năm 2026 mới cơ bản hoàn thành.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định về việc dừng thực hiện dự án đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư, đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 23/9/2021.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì xử lý các vấn đề có liên quan đến việc dừng thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, tránh để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các cơ quan liên quan thực hiện nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nghiên cứu tận dụng các hồ sơ, tài liệu trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án trước đây nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.

Trước đó, dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP tại quyết định 1602 ngày 23/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải, dự án cần chuyển đổi sang hình thức đầu tư công để cơ bản hoàn thành năm 2025, nhất là đoạn đi trùng với đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Hơn nữa, nếu triển khai theo phương thức PPP thì đến năm 2026 mới cơ bản hoàn thành.

Đồng thời, thực tiễn triển khai các dự án theo phương thức PPP thời gian qua cho thấy còn một số bất cập như cơ quan nhà nước không thể bảo đảm chắc chắn sự thành công của dự án, việc huy động vốn tín dụng và nhà đầu tư nước ngoài khó khả thi do đều yêu cầu một số bảo lãnh vượt quá quy định pháp luật hiện hành.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng. Bộ Giao thông vận tải kiến nghị phân chia dự án thành 3 dự án thành phần.

Dừng xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu theo phương thức PPP ảnh 1

Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dự kiến hoàn thành trong 2025.

Trong đó, dự án thành phần 1 (từ Km0-Km16) có chiều dài khoảng 16km qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Dự án thành phần 2 (từ Km16-Km34+200) có chiều dài khoảng 18,2km kết nối với đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, tuyến kết nối sân bay Long Thành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Riêng dự án thành phần 3 (Km34+200-Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5 km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.190 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.333 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải bố trí tối thiểu 666,5 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đoạn qua địa bàn tỉnh.

Dự kiến, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

MỚI - NÓNG