Những cuộc đời đáng sống:

Phim về khuyết tật hấp dẫn, hài hước

Vợ chồng đạo diễn Alison và Eric giao lưu với khán giả Hà Nội Ảnh: ĐSQ Mỹ
Vợ chồng đạo diễn Alison và Eric giao lưu với khán giả Hà Nội Ảnh: ĐSQ Mỹ
TP - Hai đạo diễn Mỹ mang phim tài liệu Những cuộc đời đáng sống đến Việt Nam chiếu nhiều nơi, trước khi dừng chân ở Hà Nội.

Những cuộc đời đáng sống là ký sự truyền hình đầu tiên về người khuyết tật Mỹ đòi quyền bình đẳng. Phim do cặp vợ chồng Eric Neudel và Alison Gilkey thực hiện. Eric Neudel vốn được biết đến là nhà biên tập, sản xuất phim, trong đó có Vietnam: A television history (Việt Nam thiên lịch sử truyền hình).

Tác giả không sử dụng lời bình, mà để 21 nhân vật trong cuộc tự cất tiếng nói. “Tôi muốn người xem được nghe câu chuyện chân thực, và cũng để người khuyết tật được lên tiếng. Những giọng nói khác nhau tạo thành nhiều luồng tư tưởng, làm nên dòng chảy, vẻ đẹp riêng cho bộ phim”, ông nói.

Đạo diễn chọn được những nhân vật rất thú vị. Đó là người đàn ông liệt toàn thân, thường xuyên nằm trong máy trợ thở; có người nằm bất động trên chiếc giường di động, mà đạo diễn quay gương mặt phản chiếu qua một chiếc gương soi. Đó là Ed Roberts, liệt toàn thân, được coi là biểu tượng của tinh thần độc lập: Thành công khi đòi quyền được đi học phổ thông, có bằng tốt nghiệp và học đại học ở thời kỳ nước Mỹ còn chưa có đạo luật riêng.

“Khó khăn đầu tiên là phải thuyết phục mọi người rằng, phim về quá trình đấu tranh giành quyền bình đẳng của người khuyết tật vẫn có thể hấp dẫn, hài hước nữa”, Alison Gilkey nói. Mở đầu phim, khán giả đã hồi hộp theo dõi hình ảnh nhóm những người rời xe lăn, nằm ra đường để đòi có đạo luật riêng bảo vệ họ.

Tinh thần của những người khiếm khuyết về thể xác quả mạnh mẽ, đáng ngạc nhiên. Họ đoàn kết, cùng nhau chiếm tòa nhà Quốc hội Mỹ, dùng xích buộc quanh người, túm các xe lăn lại với nhau khiến cảnh sát cũng bối rối. Một cô bé liệt đã gắng bò lên từng bậc trước tòa nhà Quốc hội, rất cương quyết: “Nếu cần, tôi có thể bò đến đêm”. Phim về người khuyết tật nhưng không bi lụy. Họ tự tin, sống và đấu tranh vì cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngoài người trong cuộc, đạo diễn đưa vào các nhân vật quyền lực trong chính trường Mỹ đã ủng hộ các cuộc biểu tình, đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người khuyết tật: Thượng nghị sĩ Tom Harkin, Kennedy, Tổng thống George Bush. Họ đều là những người thấu cảm, vì có người thân thuộc cộng đồng này. Thượng nghị sĩ Harkin đến Việt Nam năm 2010, cũng bàn đến hỗ trợ người khuyết tật.

Những khán giả ngồi trên xe lăn đến buổi chiếu phim ở Hà Nội nói, phim đã truyền cảm hứng cho họ. “Cộng đồng người khuyết tật được coi là cộng đồng thiểu số lớn nhất toàn cầu, gần 1 tỷ người. Chúng ta phải đối mặt với các vấn đề gần giống nhau. Chỉ cần bộ phim truyền cảm hứng cho một người thôi thì chúng tôi thấy thành công rồi”, Eric Neudel nói.

MỚI - NÓNG