Phim về Tướng Giáp, không về chiến tranh

Phim về Tướng Giáp, không về chiến tranh
TP - Phim của đạo diễn Đường Minh Giang về Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoàn thành năm 2006 đặc biệt ở chỗ không nói về chiến tranh. Từ sự trân trọng với tài năng, đức độ của Đại tướng, đạo diễn đã bỏ nhiều năm tìm hiểu và ra được cái tứ cho phim.

> Tự hào làm phim 3D về Đại tướng
> 2.000 ngày làm phim về tướng Giáp

Đạo diễn Đường Minh Giang (từng là người mẫu thời kỳ đầu của Hà Nội) đang chỉ đạo một cảnh quay trong bộ phim mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đạo diễn Đường Minh Giang (từng là người mẫu thời kỳ đầu của Hà Nội) đang chỉ đạo một cảnh quay trong bộ phim mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Là vị tướng thật nhưng bác đâu có thích chiến tranh”, Đường Minh Giang kể. “Bác nói: Nếu không có chiến tranh thì tôi vẫn là một nhà giáo dạy sử”.

“Phim tình cảm”

Đại tướng kể với đạo diễn về đợt tập huấn 10 ngày cho con em đồng bào dân tộc về cách đánh giặc phải khôn khéo mưu lược. Hôm sau bế giảng, thì hôm nay một cậu trai bản Lung tới gặp thầy vò đầu bứt tai: “Bây giờ bác cho em cầm súng bắn thế nào cũng được, đi đâu cũng được, khổ mấy em cũng chịu được nhưng mà học khó quá, không vào!”.

Có thể nói phim về Tướng Giáp là tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của anh?

Đường Minh Giang: Trong cuộc đời chưa biết phim nào sẽ là lớn nhất, quan trọng nhất, nhưng cho đến bây giờ có thể nói đó là bộ phim đẹp nhất.

“Những chuyện như thế tưởng cũng thường thôi nhưng vào phim tình cảm lại rất hay”, đạo diễn nói. “Vì tôi có khai thác chiến tranh đâu, tôi có hỏi bác đánh nhau như thế nào đâu. Bác hỏi, Giang có định hỏi về chiến tranh không. Tôi bảo không. Chiến tranh thì cả thế giới biết bác rồi, người ta ca ngợi hết lời rồi. Bây giờ chỉ có khoảng hở là tình cảm thì cháu khai thác”. Anh có khai thác khía cạnh tình cảm riêng tư, gia đình của Đại tướng? “Không. Vì mình tầm con cháu. Khi đã trân trọng tài năng, sự nhân văn thì những chuyện riêng tư tôi không để ý”.

Đặt tên cho phim cũng không đơn giản. Thoạt đầu, đạo diễn kết cái tên Tướng Giáp với Cao Bằng. Nhưng thông qua địa phương, ai cũng phản đối, phải là Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng. Giang kể. “Tôi mới bảo, tên càng ngắn ý nghĩa càng lớn. Mà thế giới gọi ông là tướng. Tướng ở đây là tướng của các vị tướng”.

Các vị tướng lĩnh, cựu chiến binh ở Hà Nội dễ chịu lập luận của Giang hơn, nhưng góp ý: Dù sao nghe “Đại tướng…” cũng trân trọng hơn vì mình là Á Đông. Cuối cùng tên phim là Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với Cao Bằng. Không ai ý kiến gì nữa.

Phim làm trong 6 năm, trước đó Đường Minh Giang mất 4 năm để tổng hợp tư liệu.

Việc quay thực địa khá vất vả. Vì địa hình Đại tướng hoạt động khi xưa toàn trong rừng sâu ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Đoàn làm phim cũng phải đi con đường như thế. Không quản ngại thời gian, công sức, cứ thấy thiếu hình ảnh, thiếu tư liệu, phát hiện ra cái gì mới là họ lại lên đường. Có những khi đi quay vào mùa lũ. Đồn Nà Ngần Pháp đóng để canh chừng việc khai thác quặng nên ở rất sâu. Đường nhựa lâu không ai đi đã hỏng. Đoàn làm phim phải gửi ô tô ngoài huyện, đi bộ gần 20 cây số. Đến sông Hiến, nước dâng cao, chẳng bè mảng nào dám qua. Tất cả đành cởi hết quần áo đội lên trên đầu cùng máy móc. “Đầu ngón chân bằm vào đất mới đi nổi”, đạo diễn kể. “Vào quay xong lại quay ra luôn”.

Khóc một mình

Một trong những nguồn động lực khiến Đường Minh Giang dốc tâm làm phim chính là cuộc trò chuyện với Đại tướng. “Nhìn ánh mắt mình, bác hiểu mình muốn gì”, anh kể. Giang trình bày đề tài xong, Đại tướng nói: “Cao Bằng à? Tôi luôn coi Cao Bằng là quê hương thứ hai”. Từ đó trở đi, anh chỉ việc ngồi nghe những chuyện vui, buồn, gian nan, khổ sở, sung sướng… của Đại tướng gắn với một quãng đời oanh liệt, có khi cách cái chết chỉ gang tấc.

“Có khi 10 năm lục tìm tài liệu không bằng một ngày ngồi với Đại tướng”, Giang nói. “Bác dành cho tôi những giờ phút cực kỳ tình cảm không thể quên được. Bác nói chuyện thật là thoải mái, mà vẫn đi sâu vào lòng người… Chính vì những cảm xúc đó tôi mới hào hứng tự viết ca khúc, lời bình cho phim. Quay thực địa cũng hào hứng, câu nói của bác cứ văng vẳng bên tai...”.

“Bộ phim tôi làm mang thì tương lai”, Đường Minh Giang nói. Khi khán giả xem tưởng hết, màn hình tối xuống, lại hiện lên dòng chữ: Thế hệ sau. Kế đó là hình ảnh con trai, con gái, con dâu... của Đại tướng lên Cao Bằng trao quà, xây trường học. Họ gặp lại con cháu của 34 quân sĩ đầu tiên của Đại tướng năm xưa, trong thời bình…

Tin Đại tướng từ trần đến với Giang khi anh đang thực hiện một dự án phim lớn về nông thôn, nông dân dọc 63 tỉnh thành. Giang kể: “Tối hôm ấy đang ở Bạc Liêu thì nhận được tin cụ mất. Tự nhiên tứ chi rời rã. Buồn thăm thẳm. Buồn ở chỗ mình không về đưa tiễn được. Chẳng lẽ bay vào đây rồi, anh em ở đây cả, giờ mình lại bay ra. Lịch trình với các tỉnh đã đóng khung hết rồi. Tôi là thằng ít khóc, hầu như không bao giờ khóc, nước mắt chỉ nuốt vào trong, vấp ngã đến đâu, cay đắng đến mấy cũng không khóc. Nhưng cái đêm hôm đấy không xúc động sao được…

Hôm trước khi gia đình tổ chức cho người dân vào viếng, anh Nam, con trai Đại tướng gọi cho tôi: Giang có ở nhà không... Nếu tôi ở nhà, chắc chắn tôi sẽ đến, như người trong nhà, chứ không chỉ như người dân bình thường đến viếng bác”.

Có nhiều dịp tiếp xúc với Đại tướng và gia đình, nhưng Đường Minh Giang chỉ còn những thước phim ghi lại cuộc nói chuyện với Đại tướng. Giờ đây anh thấy tiếc vì được phép ghi hình nhiều hơn, chẳng hạn những hoạt động đời thường của Đại tướng, nhưng anh đã không làm. “Tôi đã tự dằn mình, tham lam quá không hay”, anh nói. “Kể cả bây giờ rất nhiều người xin vào không được nhưng riêng tôi gia đình đồng ý. Bác mất rồi, nhưng quay những kỷ vật trong nhà không phải ai cũng vào được đâu… Nhưng tôi cho thế cũng là nhiều rồi. Còn lại cũng phải để đồng nghiệp làm chứ...”.

Mặc dù chỉ hỏi Đại tướng về Cao Bằng nhưng trong thời gian làm phim, Giang tìm được thêm nhiều tư liệu quý về Điện Biên, về thời chống Mỹ có liên quan đến Đại tướng. Anh khẳng định, những tư liệu đó giúp anh không chỉ làm được mà còn làm hay những phim tài liệu tiếp theo về vị Tổng tư lệnh có một không hai Võ Nguyên Giáp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG