Tướng Romeo Brawner, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines. (Ảnh: Reuters) |
Trong chương trình trả lời phỏng vấn truyền hình, người phát ngôn Jonathan Malaya nói đến báo cáo của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines từ cuối tuần qua về sự việc xảy ra hôm 12/1. Báo cáo nói rằng hải cảnh Trung Quốc yêu cầu các ngư dân Philippines giao nộp hải sản mà họ đánh bắt được ở khu vực bãi Scarborough rồi xua đuổi họ.
Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, với hàng loạt sự việc xảy ra trong những tháng gần đây.
Cùng với việc tăng cường năng lực quân sự và làm sâu sắc hợp tác quốc phòng với Mỹ, Nhật Bản và Úc, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. theo đuổi cách tiếp cận ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp trên biển.
Đầu tháng này, Manila thông báo sẽ có thêm đối tác tham gia hoạt động tuần tra chung trên vùng biển tranh chấp, đồng thời công bố kế hoạch phát triển hạ tầng ở các cấu trúc tranh chấp mà nước này đang kiểm soát.
Thái độ quyết liệt của Manila có thể dựa trên sự bảo đảm ngày càng thẳng thắn của Mỹ về trách nhiệm bảo vệ đồng minh dựa trên hiệp ước quốc phòng tương hỗ năm 1951.
Theo các chuyên gia, Manila làm những điều này để ngăn Bắc Kinh quyết liệt hơn nữa, nhưng đồng thời cũng làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột, khi cánh cửa cho ngoại giao ngày càng hẹp lại.
Tháng trước, quan chức Trung Quốc và Philippines đồng ý “tăng cường trao đổi các vấn đề trên biển và quản lý khác biệt thông qua tham vấn…để xử lý tốt hơn tình hình khẩn cấp trên biển…” Tuy nhiên, căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng.
Tuần trước, tướng Romeo Brawner, tư lệnh quân đội Philippines, thông báo kế hoạch nâng cấp hạ tầng trên 9 cấu trúc tranh chấp, bao gồm việc đưa máy khử muối ra một cấu trúc để hỗ trợ cuộc sống cho binh lính.
Theo nhà nghiên cứu Aries Arugay, công tác tại Viện ISEAS Yusof-Ishak Singapore, mục tiêu của kế hoạch này là duy trì hiện diện ở khu vực và giảm sự cần thiết phải luân chuyển lực lượng và tiếp tế.
Với kế hoạch này, Manila cũng hy vọng sẽ khiến Trung Quốc khó buộc Phillippines phải từ bỏ tiền đồn khi bị chặn hoạt động tiếp tế.
“Nhu cầu quan trọng nhất đối với các tiền đồn của Philippines là duy trì chất lượng sống”, ông Gregory Poling, giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Mỹ, cho biết.
Chưa rõ Manila định tăng cường năng lực quân sự ở những cấu trúc đó lên mức độ như thế nào.
GS Zachary Abuza, công tác tại ĐH Chiến tranh quốc gia (Mỹ), tin rằng nhà lãnh đạo Philippines muốn thể hiện năng lực răn đe lớn hơn, bao gồm hiện diện quân sự lâu dài hơn ở những cấu trúc mà nước này có yêu sách, cùng với việc tăng cường tuần tra.
“Tôi nghĩ Philippines đang cố gắng xây dựng lực lượng trên biển, bằng ngân sách hạn chế, để thể hiện quyết tâm của mình”, GS Abuza nói.
Tuy nhiên, Manila cũng hiểu giới hạn của mình, vì thế nước này đang mở rộng quan hệ đối tác an ninh quốc tế.
“Bằng việc để Mỹ, Úc và Nhật Bản tham gia vào an ninh của Philippines theo nhiều cách, Philippines tin rằng họ đang cố gắng làm cho Trung Quốc hiểu về nguy cơ leo thang, ngăn chặn hành vi quấy rối và chèn ép lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu cá Philippines”, ông Masashi Murano, một chuyên gia về quốc phòng tại Viện Hudson tại Mỹ, nhận định.