Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp ngày càng căng thẳng. (Ảnh: Bloomberg) |
“Có vẻ không có dấu hiệu nào cho thấy những vấn đề này ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế”, Bộ trưởng Hoạch định kinh tế Philippines Arsenio Balisacan phát biểu ngày 9/5, sau khi chính phủ nước này công bố kinh tế tăng trưởng 5,7% trong quý I năm nay.
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên biển gia tăng trong những tháng gần đây. Năm ngoái, Philippines dừng kế hoạch vay tiền của Trung Quốc để làm 3 dự án đường sắt vì phía Trung Quốc không cung cấp tài chính, ông Balisacan cho biết.
“Chúng tôi không quay lưng với Trung Quốc. Tôi không nghĩ có bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây khó cho các nhà đầu tư Trung Quốc ở Philippines, nhất là các nhà đầu tư tư nhân, vì những vấn đề trên biển”, ông nói.
Tuy nhiên, Bank of America (BofA), một ngân hàng đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Mỹ, vừa đưa ra cảnh báo quan hệ ngoại giao giữa Manila và Bắc Kinh nếu tiếp tục xấu đi vì tranh chấp trên biển có thể khiến Philippines phải gánh những tổn thất kinh tế nghiêm trọng.
Báo cáo mới của BofA cho rằng những ngành có thể bị ảnh hưởng gồm thương mại, du lịch và đầu tư.
Ngân hàng này vẫn giữ mức dự báo kinh tế Philippines tăng trưởng 5,4% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu 6,7% mà chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đặt ra, nhưng cảnh báo quan hệ của nước này với Trung Quốc xấu đi sẽ gây hậu quả lớn hơn.
“Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines và là thị trường du lịch lớn nhất trong giai đoạn trước COVID-19. Trung Quốc không còn là nguồn đầu tư lớn nhất của Philippines như trước đây nữa”, BofA đánh giá.
Ngày 10/5, Bộ trưởng Môi trường Philippines Maria Antonia Yulo-Loyzaga cho biết, nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đã bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác với Philippines trong lĩnh vực khai mỏ, nhất là nickel.
Trong một bài phát biểu, bà Maria Antonia Yulo-Loyzaga cho biết Philippines cần tăng năng suất chế biến nickel – thành phần chính trong sản xuất pin xe điện. Bà cho biết, Úc, Anh, Canada và các nước châu Âu đang quan tâm đến lĩnh vực này ở Philippines.
Philippines muốn làm như Indonesia, nơi đã thu hút khoản đầu tư lớn vào các nhà máy chế biến quặng nickel, sau khi cấm xuất khẩu sản phẩm chưa qua chế biến từ năm 2020. Manila cũng đang nỗ lực thu hút các hãng sản xuất xe điện lớn từ các quốc gia khác.