Tổng thống Duterte nói rằng, sự hiện diện của những tay súng nước ngoài trên các chiến trường đường phố từ hôm 23/5 cho thấy lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã trụ vững trên hòn đảo Mindanao, nhưng vẫn còn cơ hội cho hòa bình. “Bạn có thể nói rằng, IS đã hiện diện ở đây”, ông Duterte nói trước các binh lính ở thành phố Iligan gần đó. “Thông điệp chính của tôi tới những kẻ khủng bố là chúng ta vẫn có thể giải quyết thông qua đối thoại. Và nếu các anh không thấy đủ thuyết phục để ngừng bắn, hãy làm như vậy. Hãy chiến đấu”.
Các lực lượng đặc biệt được điều động để đánh đuổi 20-30 nhóm phiến quân Maute ở thành phố Marawi nhưng vấp phải sự chống đối dữ dội trong ngày hôm qua. Quân đội Philippines cho biết, 11 binh lính và 31 phiến quân đã thiệt mạng. Giao tranh bùng phát từ hôm 23/5 sau một cuộc truy quét của lực lượng an ninh nhằm vào nơi ẩn náu của nhóm Maute. Tình hình sau đó trở nên hỗn loạn khi các tay súng khống chế nhiều cây cầu, con đường, tòa nhà và bắt người Công giáo làm con tin. Tổng thống Duterte phản ứng bằng cách tuyên bố áp dụng thiết quân luật trên khắp hòn đảo quê nhà của ông.
Ông Rohan Gunaratna, chuyên gia về an ninh tại Singapore, cho rằng, vụ vây hãm lần này là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Philippines. “IS chiếm đóng một thành phố lớn ở Philippines là một cú đánh đáng kể đối với an ninh và ổn định của khu vực này”, ông Gunaratna nói. “Người Philippines cần hành động cùng nhau… Họ phải hiểu sự thật là tư tưởng của IS đang bám rễ ở đất nước họ. Các nhóm địa phương giờ đã biến đổi”, ông Gunaratna nhận định.
Trong số phiến quân bị tiêu diệt hôm 25/5 có công dân Malaysia, Indonesia và một số nước khác. Bộ Nội vụ Singapore hôm qua cho biết, một người đàn ông nước này liên quan các hoạt động khủng bố ở miền nam Philippines. Theo chính phủ Philippines, điều này cho thấy Philippines có thể trở thành nơi trú ẩn của các tay súng nước ngoài.
Tổng thống Duterte cảnh báo, IS có thể gây “ô nhiễm” bằng cách khai thác tình trạng đói nghèo, coi thường pháp luật và đường biên giới khó kiểm soát ở Mindanao, nơi người theo Hồi giáo chiếm đa số, để thiết lập một căn cứ cho những kẻ cực đoan từ Đông Nam Á và xa hơn nữa.
Xâm nhập từ bên ngoài
“Điều đang diễn ra ở Mindanao không còn là sự nổi dậy của người dân Philippines”, ông Jose Calida, trưởng công tố quốc gia, nói với báo giới để giải thích tại sao thiết quân luật được áp dụng. “Nó đã biến hóa thành cuộc xâm lược của những kẻ khủng bố nước ngoài, những kẻ nghe theo tiếng gọi của IS để đến Philippines nếu chúng thấy khó đến Iraq và Syria”, ông Calida nói.
Hầu hết trong số 200.000 người dân sinh sống ở Marawi đã sơ tán sau khi phiến quân tỏa ra khắp thành phố hôm 23/5, chiếm và đốt nhà, thả các tay súng đang bị giam giữ, bắt một mục sư và những người đi lễ tại nhà thờ thành phố. Ông Duterte đã phải ứng phó tình trạng bất ổn trong 22 năm ông làm thị trưởng Mindanao, nhưng sự trỗi dậy của nhóm Maute và những dấu hiệu cho thấy nhóm này có quan hệ với nhóm khủng bố Abu Sayyaf đang đặt ra một trong những thách thức lớn nhất đối với vị tổng thống trúng cử với lời hứa chiến đấu với ma túy và tình trạng bất tuân pháp luật.
Tình báo Philippines cho biết, hai nhóm Maute và Abu Sayyaf ở hai khu vực khác nhau của Mindanao có quan hệ với nhau, thông qua một kẻ tên là Isnilon Hapilon - thủ lĩnh một nhóm nhỏ của Abu Sayyaf. Abu Sayyaf đã thực hiện nhiều vụ cướp bóc, cướp biển và tấn công bạo lực, còn nhóm Maute trước đó ít tai tiếng nhưng nay chứng tỏ chúng cũng là lực lượng khó đối phó, có thể sống sót qua những trận pháo kích, không kích rồi tái lập sau nhiều thất bại nặng nề.
Hapilon là mục tiêu của cuộc tấn công hôm 23/5 và Tổng thống Duterte nói rằng IS ở Trung Đông đã chọn tên này làm kẻ đại diện ở Philippines, vì thế Hapilon được coi như thủ lĩnh. Tổng tư lệnh quân đội Philippines, ông Eduardo Ano, nói rằng, sự kháng cự quyết liệt của nhóm Maute ở Marawi vừa qua là nhằm bảo vệ Hapilon, trong lúc sức khỏe của tên này không tốt sau khi bị thương trong cuộc không kích hồi tháng Một. “Nếu chúng tôi bắt được hắn ta là tốt nhất. Nhưng nếu hắn chống trả, chúng tôi phải làm điều cần thiết”, Reuters dẫn lời ông Ano nói với các phóng viên.
Cảnh sát Indonesia hôm qua bắt 3 đối tượng bị cáo buộc liên quan những vụ đánh bom tự sát tại một bến xe buýt ở Jakarta, khiến 3 cảnh sát thiệt mạng. Giới phân tích cho rằng, vụ này liên quan nhóm địa phương Jamaah Ansharut Daulah có liên hệ với IS. Nhóm Jamaah Ansharut Daulah bị cáo buộc thực hiện nhiều vụ tấn công gần đây. Hàng trăm kẻ cực đoan từ Indonesia, quốc gia đông dân Hồi giáo nhất thế giới, đã ra nước ngoài để chiến đấu trong lực lượng của IS. Indonesia đối mặt ngày càng nhiều âm mưu và vụ tấn công liên quan những kẻ Hồi giáo cực đoan. IS nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom tự sát ở bến xe buýt vừa qua. Cảnh sát Indonesia cho rằng, IS có liên quan, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết, Channel News Asia đưa tin.