Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông là một đòn chính trị

Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông là một đòn chính trị
GS Carlyle Thayer. TP - Lép vế trước Trung Quốc, Philippines phải dùng đến vũ khí của kẻ yếu là luật pháp quốc tế: Khởi kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) trao đổi với Tiền Phong ngày 1-2 qua email.

> Trung Quốc phản đối đưa tranh chấp ra tòa quốc tế
> Mỹ 'chống lưng' Philippines kiện TQ về Biển Đông

Philippines mới đây khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài được thành lập theo Điều 287 và Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Theo ông, Philippines thực sự muốn gì?

Philippines đang theo đuổi tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên cả ba mặt trận: chính trị, ngoại giao và pháp lý. Tổng thống Aquino tuyên bố, Philippines hầu như đã nỗ lực hết sức để đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp.

Ông Aquino nói đến 17 năm thảo luận với Trung Quốc, từ khi Trung Quốc chiếm đóng đá Vành Khăn đến tháng 7 năm ngoái, khi lần đàm phán cuối cùng diễn ra và không đạt kết quả.

Philippines đã mời Trung Quốc tham gia vụ kiện và tìm kiếm sự phát quyết của tòa trọng tài quốc tế, nhưng Trung Quốc từ chối.

Nếu Philippines không có hành động tiếp theo, Trung Quốc sẽ thành công trong việc thôn tính bãi cạn Scarborough.

Trung Quốc đã ép Philippines bật khỏi bãi cạn Scarborough và duy trì sự thường trực của các tàu hải giám Trung Quốc tại đó, cùng với một barie chắn ngang đường vào bãi cạn. Ngư dân Trung Quốc tiếp tục đánh bắt cá tại bãi cạn, nhưng ngư dân Philippines phải quay lại.

Một nhóm lãnh đạo quốc hội và hải quân Philippines bơi thuyền tới bãi cạn Scarborough. Ảnh: Erik de Castro
Một nhóm lãnh đạo quốc hội và hải quân Philippines bơi thuyền tới bãi cạn Scarborough. Ảnh: Erik de Castro.

Philippines không tìm kiếm việc giải quyết vấn đề chủ quyền; UNCLOS không xử lý vấn đề này. Philippines đang tìm kiếm một phán quyết về luật quốc tế, theo đó, các vùng biển vẽ từ đường cơ sở của nước này là hợp pháp, bao gồm lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Philippines cũng đang tìm kiếm một phán quyết, theo đó, một số thực thể địa lý do Trung Quốc chiếm đóng không phải là đá hoặc đảo theo luật quốc tế mà là bãi cạn nửa chìm nửa nổi tạo thành một phần thềm lục địa của nước này.

Philippines cho rằng, việc Trung Quốc chiếm đóng những thực thể địa lý đó là phi pháp và Tòa Trọng tài UNCLOS phải yêu cầu Trung Quốc rút khỏi.

Một số học giả gọi luật pháp quốc tế là vũ khí của kẻ yếu. Philippines không đủ năng lực buộc Trung Quốc ra khỏi vùng biển mình tuyên bố chủ quyền.

Vì thế, Philippines phải dùng đến nỗ lực giải quyết vấn đề này một cách hòa bình và thông qua phương tiện pháp lý. Có một số rủi ro cho Philippines. Trung Quốc có thể từ chối tham gia vụ kiện và nói rằng họ tự miễn mình khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp UNCLOS.

Tòa Trọng tài có thể quyết định rằng họ không có quyền hạn phán xử, hoặc phát quyết theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Quá trình kiện tụng có khả năng kéo dài tới bốn năm. Trong thời gian đó, Trung Quốc có thể củng cố và mở rộng sự hiện diện của họ trên những thực thể địa lý trong vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền.

Khi Tòa Trọng tài thực sự ra quyết định, quyết định đó có tính ràng buộc đối với tất cả các bên liên quan. Nhưng không có phương tiện, cách thức nào dùng để thực thi quyết định của tòa.

Ông thấy giới học giả thế giới nhận xét thế nào về vụ kiện?

Các chuyên gia pháp lý quốc tế sẽ bình luận, sau khi họ nghiên cứu kỹ yêu cầu của Philippines và những vụ kiện trước đây tại tòa án UNCLOS.

Các chuyên gia an ninh khu vực nói chung bày tỏ lo ngại rằng, Philippines có thể đối mặt nhiều khó khăn.

Có chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng, hành động của Philippines có thể cản trở nỗ lực của ASEAN trong việc đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Một chuyên gia hàng hải cho rằng, Philippines kiện tụng khi biết rằng, Trung Quốc sẽ phản đối. Nói cách khác, hành động pháp lý của Philippines chỉ là một đòn chính trị.

Các học giả Trung Quốc thì rất đốp chát. Họ cho rằng, Trung Quốc không phải tuân theo cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS và Tòa Trọng tài sẽ không xử vụ kiện.

Ngày 29-1, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce gặp các quan chức Philippines và nói rằng, Trung Quốc nên đồng ý giáp mặt Philippines trước Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc để tránh khủng hoảng về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Ông nghĩ gì về quan điểm của Mỹ trong vấn đề này cũng như hành động tương lai đối với Philippines và Trung Quốc?

Tuyên bố của nghị sĩ Ed Royce chỉ là ý kiến cá nhân của ông ấy, không liên quan chính quyền Obama. Mỹ thường ủng hộ giải quyết tranh chấp lãnh thổ kiểu này một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Khó có khả năng Mỹ sẽ trực tiếp can thiệp vấn đề này vì Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS. Các công ty luật tư nhân của Mỹ đã và sẽ tiếp tục tư vấn cho Philippines.

Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục trợ giúp Philippines xây dựng năng lực bảo vệ lãnh thổ, bao gồm nâng cao nhận thức trong lĩnh vực biển, bởi vì hai bên ràng buộc với nhau theo Hiệp ước quốc phòng tương hỗ.

Minh Long
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.