Phiêu bạt thương hồ - Kỳ cuối: Đâu rồi 'Trên bến dưới thuyền'?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chúng tôi uống cà phê ven kênh Tẻ ngày cuối tuần. Anh Danh kiến trúc sư nhìn xóm vạn đò xác xơ dưới lòng kênh bùi ngùi nói: “Tôi đi nhiều nước, thấy những bến đò trong thành phố của họ thường được tổ chức thành các điểm du lịch, thậm chí làm phố đêm rất bản sắc. Không biết bao giờ xóm vạn đò nghèo sẽ trở nên sầm uất…”.

Chỉ đẹp ba ngày Tết

Chợ hoa trên bến dưới thuyền ở bến Bình Đông, quận 6 rất nổi tiếng và được cư dân mạng xếp vào một trong những chợ nổi đẹp nhất các tỉnh phía Nam.

Những dịp gần Tết, hàng trăm ghe chở mai, chở quất cảnh, buôn bán mấy chục loại hoa và cả cây cảnh nữa, từ khắp đồng bằng sông Cửu Long đổ về bến Bình Đông tạo ra một chợ hoa “trên bến dưới thuyền” độc đáo giữa lòng thành phố hiện đại với những cô gái trong tà áo dài rực rỡ đi sắm hoa và chụp ảnh.

Chợ hoa trên bến Bình Đông mỗi năm chỉ hiện diện mấy ngày, bởi đêm Giao thừa các ghe nổ máy chạy tốc lực về quê ăn Tết, để lại một bến nước mênh mang.

Khi viết bài này, phóng viên trở lại bến Bình Đông, chỉ thấy trên con kênh dòng nước đen ngòm vỏn vẹn một xà lan đậu bến trả gạo cho nhà máy xát và cạnh đó là hai ghe bán chuối.

Chị Năm, bán quán nước gần bến Bình Đông bảo: “Bây giờ hai bên kênh đã xây dựng nên những bờ kè rất cao nên người ta không thể đậu ghe thuyền nhiều như trước nữa. Suốt khúc sông này, trước đây tấp nập ghe thuyền, giờ chỉ có vài cái xà lan hút bùn”.

Phiêu bạt thương hồ - Kỳ cuối: Đâu rồi 'Trên bến dưới thuyền'? ảnh 1

Quán cà phê thuyền trên sông trở thành điểm đến độc đáo Ảnh: Trần Nguyễn Anh

Anh Danh kiến trúc sư là cư dân gần bến hoa ấy, anh bùi ngùi: “Người ta cứ phải đổ xô về đồng bằng thức trắng đêm xem chợ nổi, thế mà chợ nổi giữa lòng thành phố này nguy cơ bị xóa sổ”.

Cũng như bên bến Bình Đông, kè bê tông cao vút được xây dựng bên bến kênh Tẻ, theo đó là những hàng rào ngăn cách bảo vệ được dựng lên. Kè xây đến đâu thì ghe thuyền rời xa đến đó.

Cô Nương sống ở xóm vạn đò đã 30 năm, nhưng giờ kè xây sắp tới bến rồi! Chị bảo: “Khúc sông trên, thuyền ghe đã dạt xuống hết dưới này. Nếu kè xây tới đây, chúng tôi chưa biết sẽ phải đi về đâu?”.

Bán thuyền, nhớ bến

Thành phố xây dựng mỗi ngày, mở mang nhiều công trình, nhưng cũng theo đó mất đi không ít các bến thuyền từng tồn tại cả trăm năm cùng lịch sử xứ Gia Định.

Phiêu bạt thương hồ - Kỳ cuối: Đâu rồi 'Trên bến dưới thuyền'? ảnh 2

Chiếc thuyền thiêng được thờ trong đình Phú Mỹ

Chị Lan, người chạy đò nói rằng: “Khi làm hầm chui, làm cầu, giải tỏa bến đò Thủ Thiêm thì hàng trăm gia đình chuyên sống bằng nghề sông nước, chạy ghe đò như chúng tôi bị giải tỏa, đi tứ tán hết. Nhẩm tính, khúc sông từ bến Bạch Đằng xuống cầu Tân Thuận trước có gần 200 ghe thuyền nay chỉ còn dăm chiếc”.

Sở Du lịch TPHCM đã và đang định hướng phát triển sản phẩm mới là phát triển đa dạng tua tham quan TPHCM (city tour) bằng phương tiện đường bộ, đường thủy, đường hàng không và metro. Sở Du lịch Thành phố cũng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia khai thác các sản phẩm du lịch đường thủy mới hấp dẫn. Người dân hy vọng ngành du lịch sẽ làm sống lại được nhiều bến thuyền truyền thống và thu hút được người dân cùng tham gia phát triển du lịch.

Quanh bến phà Bình Khánh, Cần Giờ, cũng đang được bê tông hóa bằng kè bê tông cao mấy mét. Vài ba con thuyền muốn neo đậu, phải quăng neo qua kè vào trong bờ đất, nhưng kè quá cao nên người ta cũng bì bõm dưới sông mà không thể leo lên bờ kè!

Phiêu bạt thương hồ - Kỳ cuối: Đâu rồi 'Trên bến dưới thuyền'? ảnh 3

Các nghệ sĩ yêu thích cuộc sống xóm vạn đò

Chị Duy, người dân ở bến phà Bình Khánh nói giọng buồn buồn: “Nguyên cả làng chúng tôi trước kia sống bằng nghề sông nước, kẻ đưa đò, người đi đánh bắt thủy hải sản, khai thác dừa nước. Nay bến nước không còn, thuyền bè bán hết, cả làng chỉ còn dăm chiếc ghe nhỏ đậu ở sau cống tiêu thoát nước”.

Chồng chị Duy chạy xe chở hàng nay đã nghỉ hưu. “Chị từ ngày bán thuyền đã không còn công ăn việc làm, con gái cũng vậy, chàng rể làm phụ hồ thì mùa mưa nên công việc lúc có lúc không”- Chị nói.

Bác Mười, người chở tôi qua sông cũng chẳng biết đậu con ghe của mình ở chỗ nào khi kè xây xong. Bác bèn đóng rất nhiều cây tràm xuống lòng sông, để buộc chiếc thuyền vào đấy. Bác lại làm một cái cầu khỉ để từ trên kè đá cao mà đi xuống chiếc ghe của mình. Đó cũng là một trong những chiếc ghe cuối cùng còn sót lại của cư dân xóm chài Bình Khánh sau khi kè đá được xây dựng.

Sức hút du lịch

Trên dòng kênh Tẻ, ngay sát xóm vạn chài nghèo có một chiếc thuyền được cải tạo làm quán cà phê, được cư dân mạng bình chọn là quán cà phê độc đáo của Sài thành. Chủ quán kể: “Tôi đam mê làm du lịch, từng ra đảo để làm khu nghỉ dưỡng. Tôi thấy tiếc là tại sao TPHCM không biến các bến đò thành những điểm giải trí văn hóa?”.

Tôi thường ghé thuyền để cà phê và nói chuyện với anh chủ thuyền về kiếm thuật, bởi anh này sở hữu nhiều cây kiếm quý. Thật không may, trong một đêm, con thuyền chập điện cháy trụi.

Một con thuyền cà phê khác tiếp tục mọc lên và lại được cư dân mạng bầu vào trong TOP một trong mười quán cà phê độc đáo nhất TPHCM. Cảm giác dập dềnh bên ly cà phê ngắm bèo trôi và cá quẫy quả là khác lạ. Nhiều du khách nước ngoài đã tìm tới xóm vạn đò để uống cà phê.

Lang thang xóm vạn đò, tôi tình cờ gặp hai chàng họa sĩ và một nhạc sĩ miền Trung đang tá túc trên một con đò. Họ biến con thuyền cũ thành một xưởng vẽ và sáng tác nhạc. Họ bày tỏ: “Nơi đây cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và tránh xa cuộc sống ồn ào, thị phi. Chúng tôi có nhiều cảm hứng, viết vẽ được nhiều tác phẩm”.

Tôi chợt nhớ đến khu phố Tây ở Singapore, cũng được xây dựng tại bến thuyền cũ năm nào. Nơi ấy rộn rã những quán nhạc, những con thuyền du lịch suốt quanh năm không bao giờ ngủ.

Ngắm nhìn những bờ kè xây cao và những con thuyền đang rời bến tìm nơi đậu khác, anh chàng kiến trúc sư sống bên sông nói rằng: “Tôi rất tiếc nuối nếu các bến đò biến mất. Nếu bến thuyền truyền thống được khai thác phục vụ du lịch, giải trí thì nơi đây sẽ đẹp và cuốn hút chẳng kém bất kỳ đâu trên thế giới!”.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.