Sống chung triều cường
Chiều cuối tuần, thủy triều càng dâng cao bao nhiêu thì bèo, rác, thùng, chai lọ… từ đâu đổ về quây kín xóm vạn đò đu bám bên dòng kênh tới đó.
Cô Nương và đứa cháu nội |
Những người sống trên thuyền bới, cào bèo gạt rác tìm lối ra thuyền của họ. Có ít rác thu lượm được bán ve chai, còn lại là rễ cây, cỏ dại ùn thành từng đống.
Anh Danh, kiến trúc sư sinh ra lớn lên ở cái xóm bên kia đường, nên mở mắt ra là thấy xóm vạn đò. Anh bảo: “Những lưu dân lưu lạc trên con sông này đến từ nhiều nơi. Họ sống nghèo khổ. Khúc sông này tiếp giáp cửa sông Sài Gòn nên thỉnh thoảng có những người xấu số chết trôi dạt vào chân cầu. Người ta lại đem đi mai táng và thờ cúng họ trong ngôi đền dưới chân cầu”.
Đèn đường bật lên, nhưng con đường cạnh dòng kênh vẫn ngập nước triều dâng. Xe cộ chạy vụt qua là nước bắn tung tóe lên đám dừa và trùm lên những người ngồi bán dừa trên vệ đường.
Anh Nhịn, người Bến Tre, vừa đánh một chiếc ghe chở 1.000 quả dừa cập xóm vạn đò. Anh bày tỏ: “Triều cường thế này, người ta đi lại còn khó khăn nói gì việc dừng mua dừa!”. Vợ anh than: “Bán hết ghe dừa này chắc phải mất cả chục ngày, vậy còn cơm cháo gì nữa hả mình”. Bình thường không có triều cường chỉ bốn ngày là anh chị có thể đánh ghe về quê, nhưng nước sông dâng cao, ngập cả kênh lẫn đường thế này phải chục ngày mới bán hết một ghe dừa.
“Biết bao giờ mới về lại quê, nhậu một bữa cho đã đời” - anh chia sẻ với vợ trong khi chị vợ ngồi vẫy khách bên dòng nước mênh mang tràn lên ngập cả đống dừa bày bán bên đường.
Hai bà cháu
Trời càng về tối, thành phố càng sáng bởi ánh đèn đường được bật khắp những tòa nhà cao tầng mọc bên này, bên kia kênh ngày càng nhiều. Những hàng quán ven sông cũng mọc hằng hà sa số, đèn nhấp nháy. Có lẽ, chỉ còn một chỗ ánh sáng khó lòng rọi tới, đó chính là xóm vạn đò.
Cô Nương 56 tuổi cặm cụi bước lên con thuyền tối om và bật bóng điện nhỏ xíu được thắp sáng từ cái bình ắc quy bé xíu. Ánh sáng chỉ đủ soi một khoảnh nhỏ của con thuyền cũ chất đầy quần áo cũ và được bao bọc bằng những tấm phên cũ nát. Nằm trên thuyền là người chồng của cô, bị tai nạn “bể bọng đái” nên không làm việc nặng, toàn nằm nhà. Cạnh đó, đứa cháu nội mồ côi gầy gò chờ bà cho ăn, chực khóc.
Lênh đênh xóm vạn đò Ảnh: Trần Nguyễn Anh |
Cô Nương nói với tôi: “Tôi quê ở Đồng Tháp, quê còn mẹ già, nhưng tôi khó khăn nên lên ở xóm vạn đò này hơn 30 năm nay rồi. Tiền sống qua ngày còn không đủ, nên chẳng mua được nhà cửa gì. Sống trên thuyền cũ, nước uống mua 3.000 đồng một can, tắm giặt bằng nước sông. Điện đóm không có”.
Tôi nhìn đứa bé chạy lẫm chẫm theo bà trên con thuyền cũ chòng chành vì triều cường, hỏi: “Bố mẹ cháu đâu rồi?”. Cô Nương kể: “Bố cháu bị ung thư, mất từ lúc cháu chưa ra đời. Mẹ cháu sinh con được hai tháng rưỡi thì chịu cực khổ không được nên đã bỏ đi không thấy trở lại nữa. Nó sống với ông bà nội, ngoan và tội lắm.
Kể chuyện, cô Nương bảo: “Những ngày đại dịch COVID-19, cũng có nhiều mạnh thường quân đến cho cháu sữa, gạo, thực phẩm. Giờ bà làm lo nuôi cháu. Tôi chẳng có tiền, hàng xóm cho mượn tiền làm vốn mua mấy con trai con ốc bán cho người qua đường”.
Nhìn con thuyền hỏng máy từ lâu, tròng trành, bà lại thương và lo cho đứa cháu duy nhất của mình. Bà bảo: “Con phải cẩn thận, nằm im trong thuyền để bà bán hàng nghe chưa.
Lá lành đùm lá rách
Tôi có mấy lần qua xóm vạn đò để chuyển giúp quà từ thiện của bạn bè đồng nghiệp cho bà con trong đại dịch COVID-19. Có những bạn đọc của báo Tiền Phong liên hệ với tôi nhờ chỉ đường từ Đồng Nai vào TPHCM, đến tận xóm chài tặng thực phẩm trong lúc đại dịch nguy nan nhất. Chị Nương và những người vạn đò vẫn nhắc về họ.
Nhờ những chuyến đi từ thiện mà tôi biết Th. một người mẹ trẻ với hai đứa con, một đứa 3 tuổi, đứa kia 1 tuổi. Cô nói: “Em người miền Trung vào Nam lập nghiệp, sinh hai đứa con, chồng bỗng bỏ đi biệt tích. Về quê thì xấu hổ mà ở lại không biết đi đâu, thế là em bế con gia nhập xóm vạn đò”.
Những ngày đại dịch, Th. thường liên hệ với tôi nhờ hướng dẫn làm đơn để gửi chính quyền địa phương xin hỗ trợ cho xóm vạn chài. Cả xóm mở lòng đón mẹ con chị. Dịp Tết, chị được họ mời về quê dưới đồng bằng sông Cửu Long để chơi. Nào ngờ, “khi trở lại xóm chài, con thuyền nát của ba mẹ con bị chìm xuống sông mất tích”. Ba mẹ con rớt nước mắt chia tay xóm vạn chài, lên bờ thuê nhà trọ để bán hoa quả mưu sinh.
Gia đình của Th. ở quê không ai biết gì về cuộc sống của Th, thậm chí không biết chị đã lấy chồng và một nách nuôi hai đứa con trong xóm vạn đò ấy. Th. giấu mọi người, với một tâm nguyện: “Khi nào thoát khỏi cơ cực, con cái trưởng thành, sẽ đem chúng về ra mắt họ hàng, quê hương”.
Xóm vạn đò “vô thừa nhận ấy” đã cưu mang không ít những phận đời khốn khó như Th và nhiều người khác nữa. Chị Nương bảo: “Cách đây vài ngày, thấy có hai vợ chồng gia nhập vào xóm. Chúng tôi biết là hoàn cảnh quá khó rồi. Mỗi người giúp một tay nên vợ chồng kia cũng có một con thuyền nát để trú mưa”.
Tôi nhớ mãi câu chuyện của một chị sinh sống trên con thuyền nát nhiều năm. Chị kể với tôi: “Tôi bị chồng đánh, chửi, chịu nhục không được, bèn bế một đứa con, dắt một đứa nữa lên cầu để quyên sinh. Chúng tôi trèo qua lan can rồi, đứa con gái lớn nói: Mẹ ơi! Con không muốn chết. Nghe tiếng con gái, tôi thức tỉnh, ôm con khóc giàn giụa. Tôi dẫn con xuống chân cầu, gia nhập vào xóm vạn đò này. Con gái tôi đi bán vé số, nó lớn lên từng ngày và nói: Con hứa sẽ kiếm nhiều tiền, cho mẹ một cuộc đời sung sướng”.
(Còn nữa)
Nay tôi quay lại xóm vạn đò ở kênh Tẻ tìm ba mẹ con họ, thì nghe nói “Cuộc sống ba mẹ con nhà ấy đã khá hơn xưa, họ đã thuê được nhà trên đất liền để sinh sống, giã từ xóm vạn đò rồi!”.