Phí đường bộ Pháp Vân - Cầu Giẽ quá “chát”: Đổ gánh nặng cho dân?

Phí đường bộ Pháp Vân - Cầu Giẽ quá “chát” sẽ tạo gánh nặng cho người dân. Ảnh: Ngọc Châu.
Phí đường bộ Pháp Vân - Cầu Giẽ quá “chát” sẽ tạo gánh nặng cho người dân. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Chuyên gia nhận định việc áp dụng mức thu phí cao sẽ tạo gánh nặng cho người dân, nền kinh tế trong bối cảnh xã hội hiện nay. Ngoài ra, việc rút ngắn thời gian thu chỉ tạo cơ hội cho nhà đầu tư trốn trách nhiệm duy tu, bảo trì con đường trong tương lai.

Thu kịch trần

Theo hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư dự án được ký tháng 10/2014, tổng mức đầu tư đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là 6.731 tỷ đồng. Trong đó, mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.974 tỷ đồng với công việc chủ yếu là sửa sang, nâng cấp mặt đường hiện tại thành đường cao tốc. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc bằng việc mở rộng thêm mỗi bên 1 làn xe. 

Giai đoạn này dự kiến hoàn thành vào quý II/2018 với mức đầu tư 4.757 tỷ đồng. Để hoàn vốn cho đối tác, Bộ GTVT đồng ý để nhà đầu tư, doanh nghiệp được thu phí tại 4 trạm thu phí trên quãng đường 28,96 km ngay khi giai đoạn 1 hoàn thành. Dự kiến, nhà đầu tư bắt đầu triển khai thu từ 1/12. Tuy nhiên, giai đoạn đầu xong sớm hơn dự định, nên nhà đầu tư sẽ bắt đầu triển khai thu phí từ 30/6 tới đây.

“Các dự án theo hình thức BOT là chính sách xã hội hóa đúng đắn, nhưng nếu không có cơ chế kiểm soát, điều chỉnh hợp lý sẽ bị lợi dụng nhằm thu vén lợi ích từ sức dân”.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội 

Ngày 7/4, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45 quy định mức thu phí tuyến đường này dao động từ 10.000-180.000 đồng/lượt tùy theo đoạn tuyến và theo loại phương tiện. Đoạn tuyến có mức phí thấp nhất là Vạn Điểm - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và ngược lại với mức thu từ 10.000-40.000 đồng/lượt cho từng loại phương tiện. Phương tiện đi toàn tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Hà Nam và ngược lại sẽ phải nộp phí từ 45.000-180.000 đồng.

   

Theo quy định hiện hành (Thông tư 159), khung thu phí đường bộ dao động từ 15.000-200.000 đồng/vé lượt tùy phương tiện. Như vậy có thể thấy, phí đường bộ Pháp Vân – Cầu Giẽ ở mức kịch trần cho phép cho mọi loại phương tiện. Đại diện Bộ Tài chính cho hay, việc ban hành quy định mức thu phí dựa trên đề nghị của Bộ GTVT và chỉ là khâu cuối thực hiện theo hợp đồng mà Bộ GTVT đã ký với nhà đầu tư.

Tổng mức đầu tư có vấn đề?

Chiều 8/5, trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng đang “có vấn đề” với dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo ông Hùng, với vốn đầu tư giai đoạn 1, tính ra mỗi km sửa chữa, nâng cấp có giá xấp xỉ 70 tỷ đồng/km (gần 2.000 tỷ đồng cho gần 30km) là quá đắt. Giai đoạn 2 dự án với mức đầu tư 4.757 tỷ đồng, làm phép chia đơn giản mỗi km làm đường mới rơi vào khoảng 133 tỷ đồng. “Tính ra chỉ sửa sang, tân trang rải nhựa trên đường đã có bằng 1/2 chi phí làm đường mới. Làm đường mới ở Việt Nam tốn nhiều chi phí giải phóng mặt bằng làm đội vốn lên, trong khi sửa sang thì dựa trên con đường đã có, không phải bồi thường, chi phí thấp hơn nhiều”, ông Hùng nói.

Việc cho phép thu phí mức cao và rút ngắn thời gian thu sẽ không hợp lý. “Thu cao, thu nhanh chưa hẳn đã tốt. Thu cao sẽ tạo gánh nặng cho nền kinh tế, cho người dân. Thời gian thu ngắn đi để nhà đầu tư hoàn vốn xong có thể xảy ra tình trạng “bỏ của chạy lấy người”. Chất lượng công trình không đảm bảo”, ông Hùng nói. Vị này đề nghị cần kéo dài thời gian thu để gắn trách nhiệm bảo hành, bảo trì đường lâu hơn và khi đó công tác thi công sẽ cẩn thận. Làm theo cách hiện tại chỉ giúp nhà đầu tư trốn tránh trách nhiệm và đổ gánh nặng lên đầu người dân.


MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
TPO - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khu vực doanh nghiệp đề xuất khoan thăm dò không thuộc khu vực cấm, khu vực thuộc đất quốc phòng an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Vấn đề ô nhiễm môi trường hay không do Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đánh giá, việc xem xét cấp phép hay không do Trung ương quyết định.