Trước đó, ngày 13/10, cụ H. được đưa vào khoa cấp cứu vì chân trái đau dữ dội.
Các bác sĩ khám phát hiện chân trái bệnh nhân tím lạnh từ cẳng chân xuống bàn chân, không thể bắt được mạch chân, cảm giác tại da bàn chân giảm, khó khăn trong vận động bàn chân và các ngón chân.
Theo bác sĩ Lê Thanh Phong - Trưởng đơn vị phẫu thuật mạch máu, hình chụp mạch máu cho thấy các động mạch chân trái bị tắc hoàn toàn từ ngang gối trở xuống, chỉ còn lại một nhánh nhỏ động mạch ở bàn chân. “Bệnh nhân được chẩn đoán thiếu máu chi nguy kịch do tắc các động mạch nuôi chân cấp tính trên nền bệnh động mạch mạn tính do xơ vữa. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị rối loạn nhịp tim và bệnh phổi mãn tính”, bác sĩ Phong nói.
Các bác sĩ đã tích cực điều trị bằng thuốc cho cụ nhưng tình trạng thiếu máu chân ngày càng nặng hơn, các ngón chân và bàn chân trái vẫn rất đau và bắt đầu xuất hiện những đốm hoại tử. Đến lúc này, các nhà chuyên môn phải nghĩ đến phẫu thuật. Đây là giải pháp duy nhất đáp ứng nguyện vọng của gia đình bệnh nhân là vừa giữ được chi và vừa cứu mạng cụ ông.
Tuy nhiên, việc tiến hành phẫu thuật trong trường hợp này trở nên rất khó khăn, khi không thể gây tê tủy sống cho bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông máu. Còn nếu gây mê sẽ sẽ rất nguy hiểm, vì người bệnh có bệnh lý tim, phổi đi kèm.
Trước tình hình trên, ê kíp điều trị đã chọn giải pháp phẫu thuật lấy huyết khối và bắc cầu động mạch bằng tĩnh mạch hiển tại chỗ và được tiến hành với hướng phong bế thần kinh và gây tê tại chỗ.
Ngày 18/10, sau mổ một ngày, chân trái cụ H. đã hết đau, ấm và hồng hào. Một tuần sau, bệnh tim, phổi của cụ ông đã ổn định và bệnh nhân có thể đi lại được. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện vào vài ngày tới.
Đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất được phẫu thuật bắc cầu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Kỷ lục thế giới hiện nay cho bệnh nhân lớn tuổi nhất được phẫu thuật là nữ bệnh nhân Gladys Hooper (người Anh) được xác lập kỷ lục thế giới mới khi vừa được mổ thay khớp háng vào tháng 10/2015 khi đã 112 tuổi.