Trong thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển nhiệt điện than. Theo ông, vai trò của các nhiệt điện than trong hệ thống điện như thế nào?
Ông Trần Viết Ngãi: Cơ cấu nguồn điện của Việt Nam hiện rất đa dạng với thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện gió, điện mặt trời… Hiện nguồn thủy điện đã khai thác gần hết, chỉ còn một số dự án mở rộng và các công trình thủy điện vừa và nhỏ công suất dưới 30 MW có thể khai thác được. Tuy nhiên, dù có điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đi nữa thì cũng không thể cáng đáng được vai trò chủ lực trong hệ thống điện vì điện gió chỉ có thể chạy được 5-6 tiếng/ngày, điện mặt trời 4-5 tiếng/ngày, không thể chạy được 24/24h như nguồn thủy điện và nhiệt điện than.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh mới được Chính phủ phê duyệt, dự báo tốc độ tăng trưởng sản lượng điện vẫn trên 10%/năm, gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước. Do vậy, trong khi các nguồn điện mới khác chưa đưa vào được thì đương nhiên phải khai thác, xây dựng nhiệt điện than. Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển khi chưa có điện hạt nhân thì vẫn phải phát triển mạnh nguồn nhiệt điện than để cung cấp nguồn điện bổ sung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tính toán cân bằng cung - cầu điện toàn quốc giai đoạn 2017 - 2020 miền Nam sẽ không thể tự cân đối cung - cầu nội miền, sản lượng điện thiếu hụt hàng năm khoảng 10 - 15% tổng nhu cầu (khoảng 2.000 MW). Do đó, miền Nam luôn phải nhận điện qua hệ thống truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam với nhu cầu khoảng 15 tỷ kWh năm 2017 và sẽ tăng tới 21 tỷ kWh vào năm 2019. Trong khi đó, năng lực truyền tải điện vào miền Nam chỉ đáp ứng được 18,5 tỷ kWh/năm.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.
Như vậy, để đảm bảo điện cho khu vực này chỉ còn 2 con đường: Thứ nhất chấp nhận phát triển nhiệt điện than và thứ 2 nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để chạy bằng tuabin khí. Tuy nhiên, việc nhập khí LNG về để phát triển điện chỉ dành cho nước phát triển như Nhật Bản, Singapore vì giá thành sản xuất và bán điện cao hơn nhiều (1 kWh điện khí hóa lỏng là gần 20 cent, tương đương 4.000 đồng, trong khi giá điện bình quân hiện nay chỉ 1.600 đồng/kWh).
Việt Nam từ nay đến năm 2030 khi chưa có điện hạt nhân thì nhất thiết phải xây dựng một số nhà máy nhiệt điện than để nâng công suất nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, phát triển nhiệt điện than nhiều thì sẽ bị có ý kiến là gây ô nhiễm môi trường?
Chúng ta không khuyến khích, nhưng phát triển nhiệt điện than là bước đi không thể thiếu. Ít nhất đến năm 2030 khi có điện nguyên tử, khi năng lượng tái tạo phát triển ở mức cao, lúc đó chúng ta mới giảm tỷ trọng nhiệt điện than được.
Khi xây dựng nhà máy nhiệt điện than có 3 yêu cầu bắt buộc đối với các chủ đầu tư. Đó là khắc phục tối đa các khí thải độc hại NOx, SOx và lắp đặt lọc bụi tĩnh điện để tạp chất không đào thải ra môi trường; Xây dựng được các cảng cấp than, băng chuyền than phải hợp lý để tránh rơi vãi than; Xử lý các chất thải tro, xỉ.
Hiện các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đã áp dụng công nghệ mới tiên tiến nên đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Bản thân trong lò đã khử được chất độc như COx, SOx, NOx. Trên ống khói lắp lọc bụi tĩnh điện để tránh được bụi bẩn ra ngoài nên gần như khắc phục được khói bụi ra môi trường. Với các công nghệ hiện đại như hiện nay, việc phát triển nhiệt điện than không đáng lo ngại như dư luận nêu ra trong thời gian qua.
Vậy ở các nước, việc phát triển nhiệt điện than được thực hiện thế nào?
Tỷ trọng nhiệt điện than trên thế giới hiện nay vẫn đang rất cao, tính trung bình trong tổng cơ cấu nguồn thì chiếm gần 50%. Quốc gia sử dụng ít tỷ trọng nhiệt điện than cũng chiếm gần 30%, còn nhiều thì lên tới 70-80%.
Nhiều đất nước phát triển hơn nước ta cả hàng chục năm, hàng trăm năm, nhưng vẫn phải sử dụng nhiệt điện than và chiếm tỷ trọng lớn như Hoa Kỳ (60%), Trung Quốc (65%), Pháp (55%), Oxtraylia (60%)…
Theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng, từ nay đến năm 2020 và năm 2025 xu hướng phát triển phụ tải ở phía Nam ở mức rất “nóng”. Nhưng ở khu vực này chỉ có cụm Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Cà Mau (công suất khoảng 10.000 MW) và mới đưa được Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 2 vận hành, còn các dự án Nhiệt điện Sông Hậu, Long Phú… (do các đơn vị ngoài EVN làm chủ đầu tư) chưa biết khi nào xong. Thời gian qua, việc đảm bảo bù đắp nguồn điện này được thực hiện bằng cách truyền tải điện công suất cao qua các đường dây 500kV từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam.