Là một đơn vị có hàng chục năm kinh nghiệm đi đầu trong chế tạo thiết bị máy móc, trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho rằng, lâu nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc tách bạch khái niệm về công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, trong thực tế, các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ thực chất chính là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo vị này, kinh nghiệm của các nước cho thấy, nếu muốn công nghiệp hỗ trợ phát triển thì trước hết phải có các chính sách đặc thù để thúc đẩy cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như trường hợp của Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy, dù Nhật Bản có rất nhiều tập đoàn lớn nhưng giữa và dưới các tập đoàn này là rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là doanh nghiệp dạng gia đình siêu nhỏ chỉ có mấy chiếc máy hoạt động trong nhà xưởng.
Tuy nhiên, dù là doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng các doanh nghiệp này lại hoạt động rất quy mô và được hiện đại hóa ở mức khá cao. Vì vậy, muốn thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, phải có một hệ thống luật pháp, cơ chế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Khi đó, công nghiệp hỗ trợ phát triển tự khắc phát triển.
Về câu hỏi, có nhất thiết phải cần đến những khu công nghiệp chuyên biệt, tập trung các ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, vị đại diện Lilama cho rằng, công nghiệp hỗ trợ nó nhiều lúc nó không cần đến những diện tích đất quá lớn. Các khu công nghiệp thực tế chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp chịu nổi nổi chi phí thuê đất.
“Ở các nước, khi muốn thúc đẩy nhóm doanh nghiệp này, người ta dành diện tích đất rộng, thậm chí miễn phí dịch vụ sử dụng đất thông qua các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Như ở cái Malaysia, Singapore chẳng hạn, thậm chí rất nhiều các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ người ta đặt máy móc trong cái khu nhà cao tầng, không cần tập trung vào các khu công nghiệp như ở ta đang làm. Còn ở Việt Nam, khi doanh nghiệp đặt máy móc gồm vài máy tiện, mấy cái máy phay, máy khoan chế tạo để làm các chi tiết máy ngay lập tức sẽ bị kiểm tra về việc gây tiếng ồn, ô nhiễm. Những rào cản này vô hình dung khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa không tận dụng được đất đai để phát triển”, vị này phân tích
Để phát triển ngành công nghiệp cơ khí, đại diện Lilama cho rằng, muốn tìm hiểu ngọn nguồn, trước hết cần đặt câu hỏi vì sao thành phố Hồ Chí Minh rất phát triển, công nghiệp, thương mại luôn cao nhất nước dù không có nhiều tập đoàn lớn. Ngay trong công nghiệp hỗ trợ, khi vào khu Chợ Lớn, cái gì người ta cũng sản xuất được, từ thùng xe máy, thùng xe đạp cho đến dùng trong công nghiệp, bulông. Tất cả đều làm tại nhà, không cần vào các khu công nghiệp tập trung.
“Tôi cũng đi hỏi thì các doanh nghiệp người Hoa họ quan điểm chỉ cần con cái học để hiểu kiến thức để sau về nhà đứng máy tiện, máy phay, máy bào là được. Giờ đặt hàng họ bất cứ cái gì, từ bu long, ốc vít, họ làm được hết. Có như vậy thì mới phát triển chứ còn nếu mà bây giờ cứ bảo luôn công nghiệp hỗ trợ là phải thành lập cả cái khu công nghiệp hỗ trợ để mà mời các doanh nghiệp vào mà không có chính sách đi kèm thì rất khó”, vị này phân tích.
Theo các chuyên gia, để phát triển ngành cơ khí, cần có những chính sách đặc thù. Ảnh: Như Ý |
Theo đại diện Lilama, với ngành cơ khí, cần có chiến lược đầu tư cũng như tầm nhìn dài hạn. Điển hình như Thuế Thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp ngành cơ khí phải hạ xuống, tiền thuê đất của doanh nghiệp cơ khí phải thấp xuống.
Theo vị này, Thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành cơ khí hiện áp dụng như tất cả các ngành khác, cùng ở mức 20%/năm. “Chúng ta cứ nói nhiều đến phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp gốc, công nghiệp cơ bản nhưng không có bất cứ ưu đãi gì thì làm sao phát triển. Cùng đầu tư vào một khu công nghiệp nhưng doanh nghiệp cơ khí cũng giống như doanh nghiệp dệt may, xà phòng, giấy, hóa chất. Tất cả như nhau hết. Trong khi các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực cơ khí hay là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nếu vào đầu tư ở các địa phương là được hưởng đủ loại ưu đãi từ thuế kéo dài nhiều năm đến đất đai và cả vay vốn. Vay vốn ở nước ngoài với các dự án của doanh nghiệp FDI chỉ chịu lãi suất 2-3%. Còn doanh nghiệp trong nước chịu lãi suất từ 12-13%/năm. Riêng khoản chênh lệch này, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã thua hẳn một đoạn dài”, vị này phân tích.
Việc có chính sách thuế ưu đãi để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo đại diện Lilama, nhiều nước đã thực hiện từ rất lâu. Như ở Mỹ họ cho phép có tới 51 sắc thuế khác nhau ở các tiểu bang để phù hợp với điều kiện dân cư, chính sách thu hút đầu tư theo từng giai đoạn và các dòng sản phẩm, các lĩnh vực cũng như phân luồng lao động ở từng vùng. Doanh nghiệp nào muốn tập trung lĩnh vực nào thì chọn những bang, vùng có chính sách ưu đãi cho lĩnh vực đó để đầu tư, hoạt động. Còn như ở Việt Nam, công ty ở Hà Nội đóng thuế thu nhập doanh nghiệp giống như một công ty đóng Bắc Kạn vậy thì ai lên Bắc Kạn mà đầu tư khi mất thêm chi phí vận chuyển, tuyển dụng nhân sự cũng gặp khó khăn.
“Các loại sắc thuế cần áp dụng tùy từng vùng, điều kiện giao thông, điều kiện kinh tế theo các mức khác nhau nếu muốn cho cái vùng này hay vùng kia phát triển. Mức thuế đối với cả các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam đều cũng phải áp dụng như nhau”, vị này đề xuất.
Số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, dù đã có những chính sách để hỗ trợ nhưng đến nay các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như sản xuất linh kiện cơ khí cho ngành ô tô, thiết bị đồng bộ và công nghiệp công nghệ cao vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Với ngành cơ khí, các doanh nghiệp trong nước hoạt động quy mô nhỉ, số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt, có dấu ấn, giá trị gia tăng cao vẫn chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng vẫn coi cơ khí Việt Nam chỉ là sản phẩm phụ trợ với việc gia công cắt gọt đơn thuần.